Đi qua cổng trại giam Sông Cái vào khu tăng gia sản xuất tình cờ chúng tôi gặp lại Nh đang hăng say lao động cải tạo, vẫn là gương mặt non choẹt, trắng trẻo và hiền lành của một cậu học sinh như cách đây hơn 2 năm. Nếu không biết từ trước thì tôi không thể nào nghĩ Lê Anh Nh. là hung thủ gây ra cái chết của em Vương Văn L. học lớp 8, Trường THCS Trần Phú, chỉ vì một phút bồng bột thiếu suy nghĩ mà Nh. phạm vào tội giết người.
Tôi còn nhớ vào buổi sáng một ngày giữa tháng 6-2012, Chiếc xe đặc chủng chở Nh. đến Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận, khác hẳn với lúc mới bị bắt nhìn Nh. trắng trẻo hơn và làn da trắng bủng của những ngày không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Lặng lẽ đi vào Nh. không quên liếc mắt tìm người thân trong những người dự khán. Phiên tòa bắt đầu khá trật tự bởi ai cũng muốn nghe tường tận lời khai của những đứa trẻ “vắt mũi chưa sạch” đã nhiễm thói ngông cuồng gây nên tội. Tại phiên tòa hôm ấy, trước những câu trả lời đầy ân hận của Nh. và S. vị chủ tọa phiên tòa không nỡ nghiêm giọng. Câu hỏi dành cho bị cáo Lê Anh Nh. “Vì sao bị cáo bảo bạn quay xe lại đuổi theo bị hại?”.
Thưa tòa, vì bị cáo thấy bị hại nhìn về phía mình, bị cáo nghĩ là nhìn có chuyện gì?
Theo bị cáo thì bị hại nhìn như vậy có nghĩa gì?
Thưa tòa, bị cáo nghĩ bạn L. nhìn đểu bị cáo.
Vậy lúc quay xe lại, bị cáo đã nhặt theo cái gì?
Dạ, bị cáo nói Đ. (người đi cùng Nh. và S.) nhặt cho bị cáo một cục đá
Để làm gì?
Dạ để bị cáo đánh bạn L.
Bị cáo kể rõ hơn?
Dạ, lúc S chở bị cáo và Đức quay lại chỗ nhóm bạn L, S nhảy xuống xe tát L một cái còn bị cáo thì dùng đá ném vào đầu L.
Rồi sau đó?
Sau đó L. có nói “em có làm gì mấy anh đâu mà mấy anh đánh em” rồi L. ngã xuống. Bị cáo tưởng L. giải vờ xỉu nên bị cáo kêu S. và Đ. đi về.
Nghe đến đây, mẹ của nạn nhân L. đã không kìm được tiếng nấc nghẹn từ trong cổ họng. Dường như, một lần nữa, nỗi đau từ tâm can của người mẹ đột ngột mất đi đứa con trai thân yêu của chị lại bùng dậy. Chị òa lên tức tưởi và vội vàng nén lại vì sợ ảnh hưởng đến phiên tòa. Ngồi bên cạnh là H. cha của nạn nhân với gương mặt khắc khổ, dù là đàn ông nhưng anh H. vẫn không sao mạnh mẽ được những lúc như thế này. Nỗi nhớ con, thương xót con khiến anh thỉnh thoảng cúi đầu lén lau nước mắt. Điều này khiến cho những người dự khán phiên tòa cũng rớm lệ cảm thông chia sẻ. Bà Nguyễn Thị Bông, một người bán sinh tố ở phường Tấn Tài chia sẻ “Tui chẳng biết nó (L.) là ai, nhưng mà hôm nghe báo đài đưa tin về vụ việc, tui rất bức xúc trước hành động của tụi nhỏ. Hôm đưa tang thằng L., tui bỏ công chuyện một ngày tìm đến nhà nó mà thấy thảm thương và tội nghiệp vô cùng. Rồi hôm nay, bà con trong xóm tui cũng bỏ công, bỏ chuyện từ sớm đến tòa để nghe xét xử.”
Ở hàng ghế bên cạnh, người nhà của Lê Anh Nh. cũng chẳng hơn gì. Cái tội của con trai họ gây ra thì phải chịu sự trừng phạt. Nhưng tận sâu trong lòng người làm cha, làm mẹ còn mang tội vì đã thiếu quan tâm, chăm sóc con em mình. Tội lỗi của nó hôm này, có phần do lỗi của họ.
Trái với sự rụt rè, sợ sệt của Lê Anh Nh., Huỳnh Ngọc S. dường như không còn sự sợ hãi nên nó trả lời HĐXX một cách rành rọt và mạch lạc, thậm chí chủ tọa chưa kịp hỏi nó đã khai. Đó cũng là một cách để nó chuộc tội trước vong linh người bị nó hại, chuộc tội trước gia đình Vương Văn L. và tìm cho mình một cơ hội để làm lại cuộc đời.
Tòa tuyên bản án 8 năm tù giam đối với Lê Anh Nh. và 3 năm tù giam đối với Huỳnh Ngọc S.. Tiếng lao xao từ những hàng ghế cuối, những người dự khán có người đồng tình với mong muốn cho bọn trẻ một con đường trở về, có người không đồng tình vì xót thương tính mạng oan uổng của một học sinh nghèo, hiếu học. Riêng hai phía gia đình bị hại và bị cáo chỉ im lặng. Dù muốn, dù không người chết cũng không thể sống lại. Người sống cũng không thể bị ép uổng phải đền mạng. Để cho kẻ phạm tội một cơ hội làm lại từ đầu cũng là vận dụng chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta.
Phiên tòa kết thúc quá trưa, đến lúc bị dẫn ra xe trở về Trại Tạm giam thi hành án, Lê Anh Nh. và Huỳnh Ngọc S. mới bật khóc nức nở gọi người thân. Có lẽ lúc này cả Nh. và S. mới thấm thía về những đau thương, mất mát trong cuộc sống.
Phạm Dung