Nguyên nhân ban đầu theo cơ quan chức năng cho biết là do các công nhân này ăn cơm hộp mua từ một quán cơm vỉa hè ở phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang- Tháp Chàm và nghi đây là tác nhân gây nên vụ ngộ độc nói trên. Đây là vụ ngộ độc thức ăn tập thể thứ hai tính từ đầu năm đến nay. Trước đó, một nhóm người đặt tiệc tại nhà hàng tiệc cưới trên địa bàn phường Đô Vinh. Sau khi dùng tiệc có 10 người phải cấp cứu do bị ngộ độc thức ăn. Có thể nói, vụ việc vừa qua đã tiếp tục gióng lên “hồi chuông” báo động về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) mà điểm xuất phát từ quán ăn hè phố, kể cả nhà hàng.
Những người bán quán cóc cần bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho khách hàng.
Ảnh: Sơn Ngọc
Thực tế cho thấy, chỉ tính trên địa bàn Tp. Phan Rang- Tháp Chàm có rất nhiều tuyến đường mà vỉa hè đã bị “chiếm dụng” để bán quán ăn đủ các món phục vụ cho “thực khách” cả buổi sáng lẫn chiều tối. Đó là chưa nói đến các quán quy mô có, quán “cóc” có… bán cà phê, giải khát phục vụ các “thượng đế” dư thời gian nhưng thiếu việc làm “ngồi đồng” tán gẫu hoặc khách vãng lai. “Tiện ích” của quán ăn hè phố thì đã rõ, đó là nhanh, ngon (tùy đánh giá của thực khách) và đặc biệt… rẻ hơn so với vào ăn tại các tiệm có thương hiệu, chỗ ngồi bài bản. Đây chính là điểm khá “hấp dẫn” nhiều thực khách nhất là trong điều kiện khó khăn từ việc làm đến thu nhập. Thế nhưng, ít ai biết rằng để có được giá thành rẻ thì tất yếu người bán không thể chọn nguyên liệu từ thịt đến các loại “phụ kiện” kèm theo như rau, gia vị cả trà đá miễn phí… chất lượng cao được vì giá cả bao giờ cũng đi theo chất lượng, “tiền nào của đó”!. Mặt khác, khâu chế biến, vệ sinh từ nước rửa chén, đĩa đến vị trí bán có khi là ngay trên miệng cống bốc đầy mùi hôi… cũng là vấn đề đáng nói. Vậy nên, nếu khách hàng nào tinh ý hoặc khó tính thì sẽ ít chọn những nơi như vậy để ăn. Có điều, còn khá nhiều thực khách “dễ tính” nên các hàng quán kiểu này tồn tại dài dài.
Vấn đề đặt ra: Cơ quan chức năng ở đâu trước “mê trận” thức ăn hè phố?. Thực ra cơ quan có liên quan đến ATVSTP cũng kiểm tra nhưng theo định kỳ với nhiều lý do, cho nên mọi việc đâu vào đó, chỉ đến khi xảy ra ngộ độc tập thể thì mới vào cuộc để tìm nguyên nhân và xử lý. Còn như cá nhân nếu bị ngộ độc nhẹ thì tự điều trị tại nhà còn nặng thì đến các cơ sở y tế và điểm chung là không mấy ai khai báo nguyên nhân ngộ độc do ăn, uống tại quán nào cả!.
Liệu có lập lại được trật tự về an toàn vệ sinh đối với thức ăn đường phố được không?. Câu trả lời chắc chắn sẽ là quá khó thậm chí là không làm được. Chỉ có một điều có thể làm được là kêu gọi “lương tâm” và “trách nhiệm” của người bán để bảo đảm VSATTP và cũng là cách giữ khách cho hàng quán chính mình.
Thực ra, việc bảo đảm VSATTP cũng chỉ là vấn đề cũ, chỉ có hậu quả xảy ra là luôn luôn mới mà thôi.
Tuấn Dũng