Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: TTXVN)
Dự thảo Luật được trình xin ý kiến UBTVQH gồm 7 Chương, với 75 Điều, giảm 1 Chương - Chương kiểm tra, thanh tra, khen thưởng và xử lý vi phạm và 2 điều so với Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) hiện hành.
Phải thể chế hóa các nguyên tắc cơ bản trong Hiến pháp
Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội nhấn mạnh, việc ban hành Hiến pháp năm 2013 đã tạo căn cứ quan trọng cho đổi mới, nâng cao hiệu quả điều hành NSNN, là nền tảng pháp lý quan trọng cho sửa đổi Luật NSNN. Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, yêu cầu quan trọng nhất trong việc sửa đổi Luật NSNN là phải bảo đảm thể chế hóa các nguyên tắc cơ bản trong Hiến pháp liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân sách. Tuy nhiên, đối chiếu với quy định của Dự thảo Luật thì một số định hướng quan trọng trong Hiến pháp chưa được cụ thể hóa.
Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ NSNN là thống nhất, có phân cấp quản lý và bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương (NSTW), thể hiện rõ nhiệm vụ chi của NSTW gắn với nhiệm vụ chi Quốc gia. Phân cấp chức năng, nhiệm vụ gắn liền với phân cấp ngân sách giữa Trung ương và địa phương, theo đó, xác định phạm vi nhiệm vụ của Quốc hội và HĐND trong việc quyết định dự toán NSNN, tránh trùng lặp và hình thức. Mặt khác, tăng cường các quy định về nâng cao kỷ luật chi, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quản lý, sử dụng ngân sách, đặc biệt là về chi NSNN cần tuân thủ và cụ thể hóa nguyên tắc cơ bản đã được quy định trong Hiến pháp: các khoản thu, chi NSNN phải được dự toán và do luật định (Điều 55 của Hiến pháp).
Góp ý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh, việc sửa đổi luật này phải khắc phục được tồn tại hiện nay trong việc lập, quản lý và sử dụng ngân sách để ngân sách nhà nước được lập, quản lý, sử dụng một cách tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, hiệu quả.
“Vấn đề lúc này là cần phải làm sao cho ngân sách tập trung thống nhất theo đúng tinh thần Hiến pháp. Đề nghị nên đưa quy định Điều 55 của Hiến pháp thành nguyên tắc ở trong luật này. Đề nghị rà soát xem luật này đã quy định các khoản thu, chi chưa? Thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay?” – Chủ nhiệm Phan Trung Lý phát biểu.
Chủ nhiệm Phan Trung Lý cũng đặt câu hỏi, thẩm quyền về ngân sách địa phương thế nào, trung ương ra sao? Đồng thời đề nghị cần phải liên hệ giữa luật này với Luật Tổ chức chính quyền địa phương để phân cấp ngân sách.
Cũng về thẩm quyền quyết định ngân sách nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định “Quyền lực để quyết định ngân sách là của Quốc hội. Giám sát việc thực thi ngân sách là của Quốc hội, tổ chức thực hiện ngân sách là Chính phủ".
Đưa khoản thu từ hoạt động xổ số kiến thiết vào cân đối NSNN
Theo Tờ trình của Chính phủ, trước năm 2007 và theo quy định của Luật NSNN hiện hành, nguồn thu từ xổ số kiến thiết (XSKT) được đưa vào NSNN và thực hiện cân đối ngân sách như đối với các khoản thu thuế, phí và lệ phí. Tuy nhiên, việc cân đối này không phù hợp với tính chất nguồn thu xổ số là để kiến thiết. Do vậy, Văn kiện đại hội Đảng lần thứ X đã chỉ rõ "Sử dụng nguồn thu từ XSKT để đầu tư các công trình phúc lợi về giáo dục, y tế; việc phân bổ đầu tư đối với từng công trình cụ thể do HĐND tỉnh, thành phố quyết định; không đưa nguồn thu này thành một nguồn thu thường xuyên, ổn định của NSNN". Trên cơ sở đó, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 68/2006/QH11 khóa XI về dự toán NSNN năm 2007 đã quy định "Từ năm 2007, số thu từ XSKT không đưa vào cân đối NSNN; thực hiện quản lý số thu, chi này qua NSNN".
Chính phủ cho rằng, cần thiết phải đưa khoản thu từ hoạt động XSKT vào cân đối ngân sách, nhưng để đầu tư cho các công trình phúc lợi xã hội. Theo đó, để quản lý chặt chẽ thống nhất, đầy đủ nguồn thu, chi NSNN từ hoạt động XSKT, dự thảo Luật NSNN quy định: thu từ hoạt động XSKT là nguồn thu ngân sách địa phương (NSĐP) được hưởng 100%; đồng thời quy định nguồn thu XSKT không sử dụng để xác định tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa NSTW và NSĐP, hoặc xác định số bổ sung cân đối từ NSTW cho NSĐP, để cân đối tương ứng trở lại cho địa phương để đầu tư các công trình phúc lợi xã hội.
Thẩm tra Dự án Luật, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí đưa khoản thu từ hoạt động XSKT vào trong cân đối NSNN.
Góp ý vào dự luật, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ đồng tình với đề xuất đưa XSKT vào trong cân đối NSNN.
Cũng đồng tình với đề xuất này, song Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh phải ghi trong luật là nguồn thu này chỉ chi cho các dự án phúc lợi xã hội như y tế, giáo dục./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam