Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời chất vấn về nhiều vấn đề "nóng"

Sáng 29/9, tại phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang. Nhiều vấn đề liên quan đến trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường được các đại biểu yêu cầu làm rõ.

Muốn cấp "sổ đỏ” phải có phí bôi trơn

Ngay đầu phiên chất vấn, đại biểu (ĐB) Nguyễn Sỹ Cương (Hà Nội) chỉ ra không chỉ tiêu cực đến mức “cấp sổ đỏ cho người chết”, việc cấp sổ đỏ tại các Dự án chung cư thời gian qua ở Hà Nội rất chậm trễ, có biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, phải có phí bôi trơn 8 triệu đồng mới được cấp phép, xảy ra nhiều dự án điển hình là Mễ Trì Thượng (Hà Nội).

Trả lời ĐB Nguyễn Sỹ Cương, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, việc cấp sổ đỏ chậm trễ có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có trách nhiệm Văn phòng đăng ký đất đai của địa phương, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Bộ trưởng cho biết, ở Hà Nội, tình hình khá phức tạp, liên quan đến trách nhiệm của chủ đầu tư, sau khi báo chí phản ánh, Bộ đã cử nhiều đoàn xuống làm việc với Hà Nội và tình hình cải thiện hơn rất nhiều. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa, vừa hướng dẫn, vừa tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. “Thủ tục cấp sổ đỏ hiện nay đã được rút ngắn hơn nhiều, tuy nhiên việc thực hiện của các cơ quan thế nào đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan thanh tra”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

 

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trả lời chất vấn. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Bộ trưởng cũng cho biết, về công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Nghị quyết số 30/2012/QH13 của Quốc hội, về nhân lực đến năm 2015 có thể hoàn thành. “Chúng tôi hứa hướng dẫn các địa phương để đến năm 2015 sẽ thực hiện xong” - Bộ trưởng nói.

Chất vấn về sự quản lý lỏng lẻo, lãng phí đất đai tại các lâm trường, ĐB Danh Út (Kiên Giang), Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết: Hiện các lâm trường đang quản lý rất nhiều đất đai, nhiều diện tích để hoang phí trong khi mấy trăm ngàn hộ đồng bào dân tộc thiếu đất ở, đất sản xuất. Trong khi đó, tới nay cả nước cấp sổ đỏ đạt hơn 80% nhưng tại các lâm trường tỷ lệ này lại rất thấp. ĐB Danh Út đặt câu hỏi: “Có phải đất đai do các lâm trường quản lý chỉ còn nằm trên sổ sách, còn thực tế đã bị chiếm dụng, bị tranh chấp?”.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thừa nhận, đúng như cử tri phản ánh, có nhiều ý kiến là sử dụng, quản lý đất đai tại các nông, lâm trường thời gian qua chưa hiệu quả, kết quả sắp xếp các đơn vị này cũng còn hạn chế. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, cần có sự phối hợp giữa các Bộ và địa phương để quản lý đất đai tại các nông, lâm trường. Theo Bộ trưởng, năm 2015, Bộ sẽ tập trung vào nội dung này để giải quyết dứt điểm.

Về nguyên nhân chậm trễ cấp giấy chứng nhận tại các nông, lâm trường, Bộ trưởng cho biết, thực tế do các nông, lâm trường hoạt động rất khó khăn; hầu hết các đơn vị đã chuyển sang mô hình Ban quản lý, hàng năm không có kinh phí đo vẽ. "Hướng xử lý khi thu hồi đất vi phạm tại các nông, lâm trường sẽ ưu tiên cho các hộ đồng bào đang thiếu đất ở, đất sản xuất, giúp đồng bào ổn định đời sống” - Bộ trưởng cho hay.

Nhiều sai phạm ngay từ khâu cấp phép khai thác khoáng sản

Một vấn đề khác nhận được sự quan tâm của các đại biểu là trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc để xảy ra tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép.

ĐB Nguyễn Phương Liên (Phó Trưởng đoàn Sóc Trăng) chất vấn: “Qua tiếp xúc cử tri, tình hình khai thác khoáng sản phức tạp, đặc biệt ở đồng bằng sông Cửu Long, sông Hậu và khu vực giáp ranh rất tinh vi, liên tục, gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài việc ra Chỉ thị, Bộ trưởng có giải pháp gì đột phá để chấm dứt tình hình khai thác trái phép?”.

Trước phản ánh của ĐB Nguyễn Phương Liên, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, vấn đề quản lý ở đây liên quan chặt chẽ đến công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ TN&MT. Đối với địa phương, quan trọng là công tác quản lý bởi việc cấp phép, xử lý là thuộc thẩm quyền của các địa phương và lực lượng công an địa phương.

Dẫn chứng việc khai thác trái phép trên sông Hồng vừa rồi Công an Hà Nội đã xử lý nghiêm, Bộ trưởng cho rằng trong thời gian tới cần phải kiểm tra thường xuyên, nếu không thực hiện tốt kiểm tra liên ngành thì việc bắt quả tang và xử lý là khó. “Nếu chúng ta kiên quyết thì tình hình chắc chắn sẽ cải thiện hơn nhiều”, Bộ trưởng khẳng định.

Trong khi đó, ĐB Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội nêu rõ, khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản là hành vi rút ruột quốc gia, hủy hoạt nghiêm trọng môi trường, chiếm đoạt quyền lợi của nhân dân nhưng chỉ thấy kỷ luật, hoặc xử rất nhẹ. “Người dân cho rằng phải có sự tiếp tay của cán bộ có thẩm quyền trong cấp phép cho đối tượng khai thác khoáng sản như cát tặc, lâm tặc? Để những đối tượng đó ăn gần hết tài sản quốc gia, tham ô khoáng sản như vậy mà chỉ kỷ luật, xử lý hành chính?” - ĐB Đương chất vấn.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, hàng năm Bộ có báo cáo quản lý nhà nước về khoáng sản, trong đó có các trường hợp vi phạm. Trước băn khoăn của ĐB việc xử lý sai phạm trong khoáng sản nhẹ, Bộ trưởng cho biết phải thực hiện theo quy định của Nhà nước. Song, Bộ trưởng cũng đồng tình với ĐB Đỗ Văn Đương khi cho rằng cần chế tài nặng hơn nữa, không chỉ xử lý vi phạm hành chính mà phải truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tiền nặng.

ĐB Danh Út (Tiền Giang) đặt vấn đề: “Đối với 957 giấy phép khai thác vi phạm luật khoáng sản, Bộ trưởng hứa sẽ báo cáo Thủ tướng xử lý. Bộ trưởng cho biết tình hình xử lý đó như thế nào?”.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra tình hình cấp phép hoạt động khoáng sản của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ đã thành lập 8 đoàn kiểm tra để rà soát toàn bộ hồ sơ cấp phép của 957 giấy phép nêu trên (cấp từ ngày 01/7/2011 đến 31/12/2012). Kết quả kiểm tra đã phát hiện các vi phạm và tồn tại, hạn chế trong việc cấp phép hoạt động khoáng sản của 22 địa phương. Đến nay, 18 tỉnh đã khắc phục vi phạm, còn 2 tỉnh là Phú Yên và Tây Ninh khắc phục chưa triệt để, nếu chưa khắc phục sẽ báo cáo Thủ tướng, đồng thời yêu cầu 17/45 tỉnh thu hồi cấp giấy phép không đúng thẩm quyền (đã xong).

Theo báo cáo của Bộ TN&MT: Năm 2013, qua thanh kiểm tra, đã phát hiện và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với 12 đơn vị với tổng số tiền xử phạt là 305,5 triệu đồng. 8 tháng đầu năm 2014: Bộ đã tiến hành thanh tra chuyên đề hoạt động thăm dò, khai thác nước khoáng tại 05 tỉnh: Phú Thọ, Hòa Bình, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu; kiểm tra định kỳ hoạt động khoáng sản tại 02 tỉnh: Hà Giang, Nghệ An; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản của các tổ chức, cá nhân được cấp phép tại 06 tỉnh: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Thọ, Thái Nguyên; kiểm tra hoạt động khai thác cát trái phép tại tỉnh Thanh Hóa và nhiều đợt kiểm tra đột xuất khác. Kết quả, Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 5,26 tỷ đồng; thu hồi 01 giấy phép khai thác do quá thời gian quy định mà không đưa mỏ vào hoạt động.

Tính đến 31/12/2013, các địa phương đã cơ bản hoàn thành mục tiêu (đạt trên 85%) cấp GCN quyền sử dụng đất theo Nghị quyết số 30/2012/QH13 của Quốc hội. Cả nước đã cấp được 41,6 triệu GCN với tổng diện tích 22,9 triệu ha, đạt 94,8% diện tích các loại đất đang sử dụng phải cấp GCN (diện tích cần cấp).

 Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam