Trung tâm huyện Ninh Hải.
Theo sự phân bổ tự nhiên, người Chăm sống tập trung tại các thôn An Nhơn, Phước Nhơn 1, Phước Nhơn 2 và Phước Nhơn 3 thuộc xã Xuân Hải, còn người Raglai chủ yếu sinh sống tại 2 thôn Cầu Gãy và Đá Hang của xã Vĩnh Hải. Nhờ chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh kinh tế - xã hội, 2 xã trên đã đạt kết quả khả quan trong công tác xóa đói giảm nghèo cho đồng bào DTTS. Ở vùng dân tộc Chăm, nếu năm 2009 tỷ lệ hộ nghèo là 10,73%, nay giảm chỉ còn 3%; đối với vùng dân tộc Raglai, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 95,76% xuống còn 29%. Nhờ tính cần cù chịu khó và sự hỗ trợ của Nhà nước từ các chính sách ưu đãi chung, đồng bào Chăm đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, về trồng trọt nâng năng suất lúa lên tới 8 tấn/ ha, về chăn nuôi phát triển khá nghề nuôi bò, dê, cừu và vịt đàn. Cùng với việc hình thành cánh đồng lúa cao sản của huyện, người Chăm Xuân Hải còn phát triển một số ngành nghề phụ khác như khai thác, chế biến cây thuốc Nam cổ truyền. Điển hình như hộ ông Thành Phấn, ở thôn An Nhơn, nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã phát triển chăn nuôi bò, dê, cừu và làm các ngành nghề phụ khác, nuôi con ăn học ra trường có việc làm ổn định. Đồng bào dân tộc Raglai 2 thôn Cầu Gãy và Đá Hang nhờ thực hiện dự án Xây dựng hệ thống canh tác xóa đói giảm nghèo bền vững, đã tăng năng suất cây trồng (lúa nước), phát triển chăn nuôi bò, dê dưới tán rừng, ngoài ra còn thu nhập thêm từ công tác nhận rừng khoán quản, khai thác hạt điều. Đặc biệt tổ phụ nữ thôn Cầu Gãy tận dụng các sản phẩm phụ từ rừng như hạt bồ đề, hạt cườm, hạt mắt mèo…làm ra các sản phẩm xâu chuỗi, móc khóa, vòng đeo tay…phục vụ khách du lịch, thêm thu nhập của chị em mỗi tháng hàng triệu đồng.
Đường giao thông nông thôn xã Tân Hải.
Hướng dẫn đồng bào Raglai Cầu Gãy - Đá Hang sản xuất lúa, góp phần nâng cao năng suất, cải thiện đời sống.
Đến vùng đồng bào DTTS ở Ninh Hải hôm nay, dễ nhận ra hệ thống hạ tầng cơ sở đã được đầu tư, cơ bản đáp ứng cho yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Các công trình giao thông, thủy lợi, trường học, trạm xá được xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, bên cạnh đó người dân các thôn đặc biệt khó khăn còn được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Tuyến y tế cơ sở được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, cả 2 xã đồng bào DTTS đều được công nhận đạt chuẩn y tế quốc gia. Cơ sở trường lớp được đầu tư tương đối khang trang, trang thiết bị dạy và học được cung cấp đầy đủ về số lượng và chất lượng. Về văn hóa, xã hội, có 3 thôn (An Nhơn, Phước Nhơn 1 và Phước Nhơn 2) được công nhận thôn văn hóa cấp huyện. Toàn vùng đồng bào DTTS có 100% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia, được dùng nước sinh hoạt.
Tình hình kinh tế - xã hội phát triển, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, nên nhiều phong trào được hình thành ở vùng đồng bào DTTS như các mô hình về: An ninh tự quản, con ngoan trò giỏi theo gương “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” và khuyến học, khuyến tài. Đơn cử ở thôn An Nhơn có hộ ông Đạo Thanh Nhung và thôn Phước Nhơn 2 có dòng tộc ông Đạo Thanh Thích giáo dục con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; có con, cháu học giỏi, thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng. Đặc biệt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện chủ trương về xây dựng nông thôn mới đã được đồng bào dân tộc Chăm và Raglai tích cực hưởng ứng.
Cải tạo lưới điện phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân làng Chăm Phước Nhơn (Xuân Hải).
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, huyện Ninh Hải đề ra nhiệm vụ cần tập trung trong giai đoạn tới: Tăng cường đầu tư phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội trong vùng đồng bào DTTS, thực hiện hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đề xuất mô hình làm ăn mới, tạo điều kiện tốt nhất cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững, đến năm 2019 phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc Chăm còn 1%, dân tộc Raglai dưới 10%.
Đồng chí Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải:
Bà con DTTS ở huyện Ninh Hải luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, tích cực lao động phát triển sản xuất, kinh doanh. Để chăm lo cho đồng bào DTTS, huyện đã triển khai đồng bộ nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện chính sách dân tộc, chính sách an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới, đem lại kết quả đáng ghi nhận. Về cơ sở hạ tầng, các công trình giao thông, thủy lợi, trạm xá, trường học… luôn được huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện từ nhiều nguồn vốn khác nhau, nên bước đầu tạo được diện mạo nông thôn mới ở các vùng đồng bào DTTS. Qua đó đã tác động đến niềm tin của bà con DTTS đối với Đảng, Nhà nước, đối với việc thực hiện chế độ chính sách dân tộc, đảm bảo cho khối đại đoàn kết toàn dân trong huyện tiếp tục được củng cố và phát huy n
Ông Đạo Thanh Nhung,
Trưởng tộc họ Ôntramàmắk, thôn An Nhơn, xã An Xuân, Ninh Hải:
Tộc họ Ôntramàmắk chính thức được thành lập vào năm 2012. Từ khi được thành lập, tộc họ đã phát động nhiều cuộc vận động các thành viên, con cháu thi đua lao động sản xuất phát, triển kinh tế gia đình, chăm lo khuyến học, khuyến tài, nhất là nâng cao ý thức giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. Hiện tộc họ không có hộ nghèo, tất cả con em trong độ tuổi đều được đến trường; ngoài ra, có khoảng 20 người có bằng đại học. Hằng năm, tộc họ đều được chính quyền, ngành chức năng biểu dương, khen thưởng thực hiện tốt mô hình “Tộc họ tự quản về an ninh trật tự”. Tôi mong rằng trong thời gian tới, địa phương có nhiều họ tộc thực hiện mô hình tự quản để phát huy vai trò người có uy tín vận động dòng tộc mình thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS và thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc n
Bà Cao Thị Thuỷ,
thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải:
Nhờ những chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước dành cho vùng đồng bào DTTS nên đời sống đồng bào Raglai thôn Cầu Gãy không ngừng nâng lên. Thông qua nhiều chương trình, dự án xoá đói, giảm nghèo, bà con dần thay đổi tập quán canh tác, biết áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất và phát triển mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, điển hình như: mô hình chăn nuôi bò, thâm canh lúa nước, phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng… Tôi mong muốn thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục thực hiện giải pháp hỗ trợ phụ nữ nghèo, phụ nữ DTTS, tạo điều kiện cho chị em vay vốn phát triển kinh tế gia đình; triển khai hoạt động đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm để từng bước nâng cao thu nhập cho phụ nữ.
Nhóm PV