Phó Thủ tướng chỉ đạo ngăn chặn hàng giả, hàng lậu

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công Thương phải chỉ đạo quyết liệt để ngăn chặn có hiệu quả buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Địa phương nào để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả kéo dài thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

(Ảnh: Chinhphu.vn)

Sáng 27/9, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia làm việc với Bộ Công Thương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành chức năng.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết: Bộ đã rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm tăng so với cùng kỳ…

Tính trong 8 tháng đầu năm, lực lượng QLTT cả nước kiểm tra 119.651 vụ, tăng 8,92%; xử lý 63.978 vụ vi phạm, tăng 12,25%; xử phạt vi phạm hành chính 187,86 tỷ đồng, tăng 20,86%; thu nộp ngân sách 258,8 tỷ đồng, tăng 18,88%; trị giá hàng tịch thu chưa bán 138,28 tỷ đồng, tăng 0,28 tỷ đồng; trị giá hàng tiêu hủy 40,42 tỷ đồng, tăng 8,91% so cùng kỳ năm 2013.

Về hạn chế, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng bất cập lớn nhất là thiếu cán bộ; không có sự chỉ đạo thông suốt từ Bộ xuống các Chi cục Quản lý thị trường địa phương vì qua nhiều tầng nấc trung gian. Vì thế, Bộ này kiến nghị cần nâng cấp Cục quản lý thị trường lên thành Tổng cục quản lý thị trường và chỉ đạo công tác này theo ngành dọc.

Bộ Công Thương cũng kiến nghị cho lực lượng này được hưởng phụ cấp thâm niên nghề như: Tòa án, Kiểm sát, Thanh tra, Thi hành án dân sự. Đồng thời bổ sung thêm biên chế, kinh phí cho các lực lượng Quản lý thị trường...

Phát biểu chỉ đạo cuộc làm việc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công Thương.

Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn cho rằng tình hình buôn lậu-gian lận thương mại vẫn phức tạp. Hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, hàng lậu vẫn được bày bán công khai trên các tuyến phố. Tình trạng gian lận thương mại, trốn thuế, gian lận thuế trong nhập khẩu vẫn nhức nhối, làm ảnh hưởng môi trường kinh doanh, hình ảnh quốc gia.

Phó Thủ tướng chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng báo động trên là do một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này. Một số nơi chưa quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc. Vai trò, tính trách nhiệm của một số cán bộ của QLTT chưa cao, một số cán bộ bị xử lý hình sự như tại Hải Dương, Hà Nội. Một bộ phận không nhỏ cán bộ yếu năng lực, thiếu tinh thần trách nhiệm. Từ 2007 đến nay, lực lượng QLTT kiểm tra nhiều nhưng xử lý ít.

Một số quy định của pháp luật chưa rõ ràng, còn sơ hở, bất cập. Công tác phối hợp, trao đổi thông tin, đấu tranh bắt giữ chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu lực lượng quản lý thị trường cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trước dân, trước Đảng để làm tốt công tác của mình. Bộ Công Thương phải chỉ đạo quyết liệt để ngăn chặn có hiệu quả buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Địa phương nào để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả kéo dài thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

Toàn lực lượng quản lý thị trường phải đề xuất với cấp trên các giải pháp và trực tiếp quản lý, đấu tranh và triệt phá. Toàn hệ thống mở một số đợt cao điểm tấn công các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại với các mặt hàng trọng điểm, phối hợp với các lực lượng khác như: Hải quan, Thuế vụ, Công an, Biên phòng nhằm triệt phá có hiệu quả hơn.

Đây là công việc lâu dài, kiên trì liên tục, kiên quyết của cả hệ thống chính trị mà chủ chốt là các lực lượng chuyên trách, trong đó có QLTT. Giám sát chặt chẽ cán bộ, công chức trong nội bộ, xử lý nghiêm và không để xảy ra tình trạng cán bộ bao che, bảo kê, biến chất.

Nguồn www.chinhphu.vn