Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, Dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo gồm 76 điều thể hiện trong 10 chương. Dự luật đã quy định việc quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển từ chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường vùng bờ; quản lý tài nguyên hải đảo, bảo vệ môi trường biển. Mặt khác, Dự thảo Luật cũng đã quy định khá rõ trách nhiệm quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, trong quá trình xây dựng dự án Luật, các ý kiến tham gia, ý kiến của Hội đồng thẩm định, ý kiến của thành viên Chính phủ cơ bản đều nhất trí cao với các nội dung của dự án Luật. Tuy nhiên, về tên của Luật còn có ý kiến khác nhau. Nhóm ý kiến thứ nhất đề nghị giữ nguyên tên gọi của Luật là “Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo” theo Nghị quyết số 45/2013/QH13 ngày 18/6/2013 của Quốc hội về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014. Nhóm ý kiến thứ hai: đề nghị đổi tên gọi của Luật là “Luật Tài nguyên, môi trường biển” để bảo đảm tính thống nhất trong cách đặt tên giữa Luật này với Luật biển Việt Nam (Luật biển Việt Nam có quy định về đảo nhưng không đặt tên là Luật biển và hải đảo Việt Nam).
“Chính phủ đã thảo luận và nhất trí giữ nguyên tên gọi của Luật là Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo” – Bộ trưởng cho hay.
Phát biểu tại phiên họp, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền đánh giá đây là dự án luật quan trọng và cơ bản tán thành với những quy định trong dự luật. Về tên gọi của dự luật, ông đồng tình giữ nguyên tên gọi của Luật là “Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo”.
Tuy nhiên, ông đề nghị Ban soạn thảo làm rõ việc phân định ranh giới về thẩm quyền giữa trung ương và địa phương, giữa các địa phương với nhau trong quản lý, khai thác tài nguyên biển thời gian qua. Đồng thời, làm rõ hoạt động của các cơ quan được thành lập để quản lý tài nguyên biển thời gian qua (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Chi cục Biển và Hải đảo ở các tỉnh) đã đạt được những kết quả gì?
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng: Cần xem xét kỹ lưỡng hơn phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật. Đồng thời, với mối quan hệ đan xen trong hệ thống pháp luật điều chỉnh liên quan đến tài nguyên, môi trường biển, hải đảo cần tiếp tục rà soát kỹ những nội dung của dự thảo Luật này với các Luật khác có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Chủ nhiệm Nguyễn Kim Khoa đề nghị dự luật ngoài việc quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo thì cần gắn với việc bảo vệ chủ quyền của biển, đảo và bảo đảm an ninh trật tự trên khu vực biên giới biển.
Đồng tình với Chủ nhiệm Khoa, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đánh giá dự luật chưa quy định rõ về vai trò tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới trên biển. Ông nói: “Tôi phân vân tại sao dự luật lại quy định vùng biển ven bờ là vùng biển có chiều rộng 06 hải lý tính từ mực nước triều kiệt trung bình nhiều năm ra phía biển. Bởi ta quy định nội thủy là đường biên giới cứng mà cảnh sát biển phải hoạt động, phải quản lý như biên giới”.
Chủ tịch Ksor Phước cũng đề nghị cần bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm phối hợp của một số Bộ có liên quan trực tiếp đến quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương... “Quy định để tránh trùng lặp nhiệm vụ, tránh đổ vấy trách nhiệm khi có sự cố xảy ra” – Chủ nhiệm Ksor Phước phát biểu.
Đồng tình với các ý kiến trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đều nhấn mạnh: Luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cần chú ý tới chiến lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Cũng về những vấn đề này, thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần giải trình rõ cơ sở khoa học và thực tiễn của quy định vùng biển ven bờ là vùng biển có chiều rộng 06 hải lý tính từ mực nước triều kiệt trung bình nhiều năm ra phía biển. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể, khoa học hơn.
Về trách nhiệm quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho hay, có ý kiến cho rằng quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đòi hỏi có sự phối hợp và đồng thuận cao giữa các ngành, các cấp; quá trình quản lý phải giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, xung đột giữa các ngành, các cấp trong khai thác sử dụng tài nguyên biển và hải đảo. Để kịp thời chỉ đạo, phối hợp, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cần phải có cơ chế phối hợp bảo đảm tính pháp lý cao và phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc chủ trì, phối hợp. Vì vậy, đề nghị quy định cụ thể ngay trong Luật cơ chế phối hợp, kết hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam