Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Hiện nay nước ta có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật (NKT) chiếm 7,8% dân số. Người khuyết tật ở Việt Nam chủ yếu sống ở các vùng nông thôn, rất nhiều người khuyết tật từ 6 tuổi trở lên không biết chữ, số còn lại chủ yếu dừng lại ở cấp tiểu học, trung học cơ sở, khoảng 90% chưa qua đào tạo. Đời sống vật chất, tinh thần của người khuyết tật còn nhiều khó khăn, phần lớn sống dựa vào gia đình và trợ cấp xã hội, sống trong những căn nhà tạm...
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Trần Văn Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nêu rõ; Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật là văn bản quy phạm pháp luật quốc tế đầu tiên khẳng định mọi tiếp cận của người khuyết tật đều dựa trên quyền. Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật là Công ước quốc tế toàn diện nhất trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm sóc và hỗ trợ tới người khuyết tật. Hàng năm, Nhà nước bố trí ngân sách để thực hiện chính sách về người khuyết tật và ưu tiên thực hiện chính sách bảo trợ xã hội và chú trọng đặc biệt đến việc hỗ trợ người khuyết tật là trẻ em, người cao tuổi. Các chính sách về người khuyết tật luôn luôn được lồng ghép trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội và sự kiện quan trọng là ngày 17/6/2010 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Luật Người khuyết tật và ký tham gia Công ước về quyền của người khuyết tật vào ngày 22/10/2007. Việt Nam đã và đang nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp về NKT nhằm đảm bảo các quyền của NKT.
Thông qua hội thảo, các đại biểu đã hiểu rõ hơn về thực trạng tình hình người khuyết tật ở Việt Nam, các chính sách đối với người khuyết tật; sự tương thích của Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật với hệ thống pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên; lộ trình thực hiện chính sách đối với người khuyết tật, cũng như các thuận lợi, khó khăn trong vấn đề tổ chức thực thi Công ước. Các đại biểu đều nhất trí cho rằng: Người khuyết tật là đối tượng luôn cần sự hỗ trợ và bảo vệ về mặt pháp lý, các chính sách pháp luật đóng vai trò thực sự quan trọng trong việc ghi nhận và bảo vệ quyền của NKT. Việc Việt Nam xem xét phê chuẩn Công ước là một bước cần thiết để hoàn thành thủ tục để Việt Nam trở thành thành viên của Công ước, có đầy đủ quyền và nghĩa vụ thực hiện Công ước về quyền của người khuyết tật.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam