Quy định thanh tra ATVSLĐ là lực lượng thanh tra chuyên ngành
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Hiện nay số thanh tra viên tham gia làm nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ chỉ khoảng 150 người, trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 0,22% số doanh nghiệp đang hoạt động được thanh tra pháp luật lao động nói chung và ATVSLĐ nói riêng và mới chỉ có ở cấp Bộ và cấp tỉnh. Các vụ tai nạn lao động chết người hầu hết không đảm bảo thời hạn điều tra theo quy định, số vụ có đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ chiếm khoảng 2%, đồng thời việc xử phạt các hành vi vi phạm về ATVSLĐ còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe nên không có tác dụng giáo dục, phòng ngừa việc tái diễn các vi phạm.
Theo Bộ trưởng, công tác thanh tra ATVSLĐ có tính phức tạp đặc thù, đó là kinh tế, kỹ thuật và nghiệp vụ đan xen lẫn nhau, lồng quyện vào nhau nên việc xử lý cực kỳ khó khăn. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường công tác thanh tra khu vực không có quan hệ lao động khi mở rộng đối tượng áp dụng của Luật này so với Bộ luật lao động. Vì vậy, cần phải có quy định thanh tra ATVSLĐ là lực lượng thanh tra chuyên ngành, đặc thù, có tiêu chuẩn riêng. Dự thảo Luật bổ sung quy định tổ chức thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ được tổ chức ở cả cấp huyện thay vì chỉ cấp Bộ, cấp tỉnh như quy định hiện hành.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền
trình bày báo cáo tại phiên họp. (Ảnh: TTXVN)
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cũng cho rằng: Nếu mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với khu vực không có quan hệ lao động, cần phải có thanh tra ATVSLĐ là lực lượng thanh tra chuyên ngành đủ điều kiện để bao quát được cả hai khu vực.
Ủng hộ quy định trên, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý: Trong ngành lao động có nhiều lĩnh vực. Nếu không quy định chặt chẽ lại làm phân tán lực lượng.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Dự thảo Luật vẫn chưa làm rõ người sử dụng lao động mà thực hiện không đúng quy định về ATVSLĐ thì bị xử lý thế nào? “Phải quy định rõ để thanh tra có quyền xử phạt. Cần có chế tài để xử lý nghiêm, bảo đảm an toàn cho người lao động. Nếu thiếu chế tài luật khó đi vào cuộc sống”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước đặt vấn đề: "Nếu quy định như vậy, biên chế thanh tra có tăng lên không?”
Giải trình thêm, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Hiện ở cấp huyện không có cán bộ làm thanh tra ATVSLĐ. Thực tế cho thấy nếu có sai phạm xảy ra, chủ yếu doanh nghiệp tự xử lý, chứ ít khi báo cáo. Nếu lo tăng biên chế thì sẽ khó đảm bảo được quản lý Nhà nước.
Tránh việc lạm dụng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Về chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, dự thảo Luật bổ sung thêm hai nội dung chi từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đó là hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc (Điều 54) và hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (Điều 60).
Tán thành với quy định của Dự thảo, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị cần cân nhắc việc hỗ trợ tuyên truyền, tư vấn về an toàn, vệ sinh lao động vì đây là trách nhiệm của nhà nước. Đồng thời, cần xác định rõ tiêu chí, điều kiện cụ thể để người sử dụng lao động nhận được hỗ trợ, tránh việc lạm dụng quỹ bảo hiểm. Ngoài ra, cần thay đổi quy định về mức đóng theo hướng linh hoạt nhằm giảm chi phí cho người sử dụng lao động thay cho mức đóng cố định hiện nay, đối với một số ngành nghề có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cao có thể xem xét áp dụng mức đóng cao hơn, mức chi cao hơn hoặc ngược lại, cơ quan soạn thảo cần có báo cáo đánh giá tác động khi thực hiện các chính sách này đối với việc cân bằng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ băn khoăn khi trong Luật đề cập tới Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mang tính chất là Quỹ bảo hiểm xã hội. "Vậy có phải là "quỹ trong quỹ" không?. Cơ chế quản lý thế nào, có bộ máy mới không"? - ông Hiển đặt vấn đề.
Một số ý kiến cho rằng nên giữ nguyên các chính sách như hiện hành bao gồm: trợ cấp 1 lần, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp phục vụ, trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam