Đồng chí Nguyễn Hữu Hoàn, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Chi Cục Quản lý thị trường, cho biết: Hoạt động buôn lậu diễn ra rất tinh vi, đối tượng sử dụng nhiều phương thức để “qua mắt” cơ quan chức năng. Các thành phần xấu lợi dụng Chương trình bình ổn giá, các điểm bán hàng lưu động, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn để trà trộn hợp thức hóa hàng lậu, hàng kém chất lượng tiêu thụ trên phạm vi rộng. Nhiều mặt hàng giá rẻ của nước ngoài: thuốc lá, đồ chơi trẻ em, đồ dùng gia dụng, quần áo… được các đối tượng thu gom từ phía Bắc và Tây Nam đưa về tỉnh ta tiêu thụ gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng. Tình trạng gian lận thương mại trong sản xuất, kinh doanh với nhiều hình thức: đóng gói sẵn không đủ trọng lượng, chất lượng không đảm bảo… tinh vi đến độ người mua không phân biệt được thật - giả.
Cán bộ quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa lưu hành trên địa bàn Phan Rang- Tháp Chàm.
Trước thực tế đó, Ban Chỉ đạo 389/ĐP đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai nhiều đợi kiểm tra, kiểm soát chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại. Từ đầu năm đến nay, đã tổ chức kiểm tra hơn 13.000 vụ, xử lý vi phạm 2.489 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 19,7 tỷ đồng. Hoạt động kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả góp phần ổn định thị trường, tăng nguồn thu ngân sách, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Đơn cử như qua kiểm tra 72 cơ sở kinh doanh các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi đã phát hiện 24 trường hợp vi phạm về ghi nhãn hiệu hàng hóa, không có hồ sơ công bố chất lượng, không có chứng chỉ hành nghề, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng và không có trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam. Cơ quan chức năng cũng đã lấy 68 mẫu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi giá súc… gửi đi kiểm nghiệm về chất lượng. Trường hợp phát hiện có chứng cứ về gian lận thương mại sẽ nghiêm khắc xử phạt. Việc kiểm tra, kiểm soát, chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp đã bảo vệ được lợi ích cho nông dân, giảm thiệt hại trong sản xuất.
Thời điểm từ nay đến cuối năm, hoạt động buôn lậu sẽ diễn biến phức tạp hơn. Để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và cơ sở sản xuất, kinh doanh chân chính các sở, ngành, địa phương chủ động xây dựng phương án, kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp với điều kiện, tình hình thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách; trong đó, xác định đối tượng, tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên tuyến QL1A, QL27; các khu vực giáp ranh với tỉnh Khánh Hòa các điểm phân phối, tập kết hàng lậu, hàng cấm, như: bãi đậu xe, kho tàng, chợ trung tâm; chú trọng địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm và Ninh Sơn nơi các đối tượng buôn lậu thường tập kết thuốc lá lậu, lâm sản, hàng nhập từ nước ngoài. Đấu tranh có hiệu quả với các nhóm mặt hàng cấm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, sức khỏe cộng đồng: ma túy, chất nổ, pháo, lâm sản, rượu ngoại, các loại máy móc thiết bị, hàng điện tử, điện lạnh. Các mặt hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm an toàn thực phẩm, gian lận về đo lường chất lượng như điện thoại di động, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi gia súc, xăng dầu… Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh tham gia chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; thực hiện cam kết không kinh doanh thuốc lá ngoại nhập lậu, phân bón không đảm bảo chất lượng, hàng hóa mất an toàn vệ sinh thực phẩm…
Anh Tùng