Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Dự án luật).
Dự án Luật này được hợp nhất từ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Ban hành văn bản pháp luật của HĐND và UBND.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Sau một thời gian dài thi hành, 2 luật trên đã tạo cơ sở pháp lý để xây dựng được một hệ thống pháp luật đồ sộ, góp phần vào thành tựu chung của gần 30 năm đổi mới, phục vụ đắc lực cho sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước; ý thức pháp quyền được nâng lên rõ rệt, tạo điều kiện cho đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện các luật trong lĩnh vực này đã bộc lộ những bất cập, hạn chế lớn là: Hệ thống pháp luật phức tạp, cồng kềnh với số lượng quá lớn và quá nhiều hình thức văn bản quy phạm pháp luật có thứ bậc hiệu lực không thật rõ ràng do nhiều cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến chính quyền cấp xã ban hành, gây khó khăn cho việc tuân thủ, áp dụng, thi hành.
Hệ thống pháp luật thiếu tính ổn định do chất lượng nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế, tính khả thi chưa cao, phải sửa đi sửa lại nhiều lần, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư-kinh doanh và cuộc sống người dân. Hiệu lực thi hành của hệ thống pháp luật chưa cao, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh vẫn đang là nguyên nhân hạn chế hiệu lực thực tế của cả hệ thống pháp luật.
Chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành thông tư, dẫn đến nhiều văn bản không phù hợp với thực tế, còn hiện tượng thiên về thuận lợi cho cơ quan quản lý, chưa tôn trọng đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Việc bảo đảm tính dân chủ và sự tham gia rộng rãi của nhân dân trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn hình thức, chưa thực sự phát huy được vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với quá trình xây dựng và thi hành pháp luật.
Việc tổ chức thi hành pháp luật chưa được chú trọng đúng mức, văn bản pháp luật bị vi phạm nhiều, nhưng xử lý chưa kịp thời, chưa nghiêm làm giảm hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và giảm niềm tin của nhân dân vào sự tôn nghiêm, công bằng của pháp luật.
Theo đó, mục đích của việc ban hành Dự án Luật là tạo khuôn khổ pháp lý với nhiều đổi mới về xây dựng và thi hành pháp luật nhằm xây dựng và vận hành hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Ảnh: VGP/Lê Sơn
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với việc ban hành luật này để tạo cơ sở pháp lý nhằm xây dựng và vận hành hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với những quan điểm chỉ đạo xây dựng Dự án Luật như trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị bổ sung quan điểm xây dựng dự án Luật nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để xác định và nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, góp phần khắc phục tình trạng chậm, nợ văn bản, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật chưa cao, v.v...
Một số ý kiến cũng đề nghị cần bổ sung quan điểm tăng cường và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện sáng kiến pháp luật của các đại biểu Quốc hội; thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã cho ý kiến về các vấn đề khác nhau của Dự án luật để Ban Soạn thảo nghiên cứu tiếp thu đưa vào Dự án Luật, báo cáo UBTV Quốc hội, Quốc hội thẩm tra, cho ý kiến trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thảo luận, các thành viên UBTV Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến cho Dự án Luật. Chính phủ sẽ tiếp thu để hoàn chỉnh thêm Dự án Luật trong quá trình soạn thảo.
Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có 16 chương, 158 điều, tăng 4 chương, 63 điều so với Luật năm 2008; ít hơn 2 chương, tăng 7 điều so với tổng số chương, điều của cả 2 luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Nguồn www.chinhphu.vn