Cùng với “nhịp độ” phát triển của cuộc sống cả về kinh tế, đa phần các gia đình từ thành thị đến nông thôn đều thay vì nổi lửa thổi cơm cho buổi ăn sáng cả nhà thì những năm gần đây khi đồng tiền kiếm được không quá khó, nhu cầu “thắt lưng buộc bụng” có giảm đi và chuyển sang “ăn ngon, mặc đẹp” thì bữa sáng đã chuyển từ “bếp nhà” sang “bếp” hàng quán bên ngoài. Thôi thì đủ các món để đáp ứng nhu cầu thực khách từ bình dân đến cao cấp. Và, tùy theo giá cả giữa món ăn với chất lượng cũng tương xứng kể cả độ sạch về an toàn thực phẩm. Liệu mấy ai đoan chắc rằng trong sợi bánh, sợi bún, thịt các loại… đều bảo đảm chuẩn tươi sống, không mang mầm bệnh!. Vậy nên chỉ có người bán mới hiểu thức ăn sạch…dường nào mà thôi. Riêng nói đến chuyện rau là thực phẩm tươi sống không thể thiếu trong bữa cơm hàng ngày. Vài năm trở lại đây một số địa phương được sự hỗ trợ của Nhà nước… đã hình thành những vùng sản xuất rau sạch, có nơi sản xuất theo tiêu chuẩn ViệtGAP… nhưng đáng nói là so với nhu cầu chung của tỉnh thì sản lượng rau sạch này không những không đáp ứng đủ cả về số lượng lẫn chủng loại theo nhu cầu thị trường. Cho nên, ngoài những nơi sản xuất có địa chỉ tiêu thụ như đưa vào siêu thị, các nhà hàng… nhưng số lượng chỉ có hạn, còn lại phần lớn đều “tự sản, tự tiêu”.
Người tiêu dùng lựa chọn mua rau xanh tại siêu thị Thanh Hà. Ảnh: Sơn Ngọc
Điều này cũng đồng nghĩa với việc hàng “sạch” lẫn lộn với hàng không sản xuất theo tiêu chuẩn, mà như vậy thì dư lượng thuốc trừ sâu tồn đọng trong sản phẩm là khó tránh khỏi. Thực tế không ít nơi người sản xuất các loại rau như quế, diếp cá, rau má, rau muống…, các loại củ, quả “nhạy cảm” với sâu bệnh thường thì được người trồng phun thuốc dăm ba hôm kèm theo thuốc tăng trưởng nhanh để tạo độ xanh cho lá, độ bóng cho củ, quả… là thu hoạch đưa đi tiêu thụ tại các chợ từ nông thôn đến thành thị mà đúng ra phải cách ly không dưới 15 ngày để loại bỏ các dư chất độc hại, bảo đảm an toàn cho thực phẩm. Việc này cũng chỉ có người sản xuất với người bán là biết rõ. Giá cả cũng là yếu tố quyết định cho việc nên hay không nên sản xuất rau sạch. Như đã nói ở trên, do người bán “không cần” phân biệt rau sạch hay không sạch nên đánh đồng một giá cho sản phẩm cùng loại trong khi đó để làm ra rau sạch phải tốn nhiều chi phí từ giống đến chăm sóc. Vậy là, thôi thì cứ “đường xưa lối cũ”, “ai sao tôi vậy”. Chỉ có người tiêu dùng là lãnh đủ trước “mê trận” này. Chính từ chỗ “bất bình đẳng” giữa người mua và người bán do lập lờ xuất xứ và chất lượng nông sản nên luôn tạo tâm lý bất an cho người tiêu dùng….
Để giải quyết vấn đề này yêu cầu cần thiết đặt ra là cơ quan chức năng cần động viên, khuyến khích hộ kinh doanh bán thực phẩm sạch, có đối chứng, tất nhiên là tại các chợ cần ưu đãi về mặt bằng, giảm các loại phí… Mặt khác, cần tăng cường công tác kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm ngay tận gốc sản xuất để có khuyến cáo, chấn chỉnh… Hơn ai hết, người tiêu dùng đã đến lúc cần kiên quyết nói “không” với thực phẩm không đủ sạch. Có thực hiện đồng bộ các biện pháp thì mới tạo được sự bình đẳng trong tiêu dùng.
Hạ Huyền