Dấu Ấn: Sự kiện lịch sử trong nước ngày 20-9

- Ngày 20-9-1930: Nguyễn Ái Quốc viết tài liệu “Phong trào cách mạng ở Đông Dương”, biên khảo chi tiết các hình thức đấu tranh trong bối cảnh “cuộc đấu tranh của công nhân và nông dân Đông Dương chống đế quốc Pháp, ngày càng trở nên quyết liệt hơn”. Cuối cùng trong bài viết, Người kêu gọi: “Hỡi những người công nhân và nông dân toàn thế giới! Những người anh em! Hãy giúp đỡ công nhân và nông dân Đông Dương, những người đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc Pháp”.

- Ngày 20-9-1945: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 34 về việc lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để đệ trình Quốc hội, gồm 7 vị: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu.

- Ngày 20-9-1947: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 88/SL, ấn định các hình thức thưởng cho những gia đình có 3 con trở lên tham gia quân đội.

- Ngày 20-9-1950: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi các chiến sĩ bị thương trong trận Đông Khê. Lời thư có đoạn: “Đảng, Chính phủ, đồng bào đều biết ơn các chú. Tôi gửi lời khen ngợi các chú và chúc các chú mau lành mạnh để trở lại hàng ngũ tiếp tục chiến đấu giết giặc”.

- Ngày 20-9-1958: Bác Hồ đến thăm công trường thủy lợi Bắc - Hưng - Hải. Tại công trường, Bác Hồ đã động viên những người đang tham gia xây dựng: “Bây giờ chịu khó phấn đấu trong mấy tháng. Sau này sẽ hưởng hạnh phúc lâu dài hàng trăm năm”. Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến thủy lợi. Theo thống kê chưa đầy đủ, Bác đã ký 20 văn bản pháp quy về thủy lợi chủ trì 31 phiên họp Hội đồng Chính phủ bàn chuyên đề hoặc có bàn về thủy lợi thăm và nói chuyện24 lần tại các hội nghị thủy lợi, đê điều trung ương và địa phương 30 lần xuống tận công trường, làng xã thăm hỏi, động viên nông dân làm thủy lợi. Với các bút danh TL, Trần Lực, CB, Bác đã viết 62 bài báo về thủy lợi đăng trên báo Nhân dân.

- Ngày 20-9-1961: Lần đầu tiên Việt Nam thực hiện thành công ca phẫu thuật mổ gan khô. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - Hà Nội đã thực hiện ca phẫu thuật này. Đây là phương pháp mổ không gây chảy máu của Giáo sư Tôn Thất Tùng. Với công trình này, năm 1977, Giáo sư Tôn Thất Tùng đã được Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris (Cộng hòa Pháp) tặng Huy chương phẫu thuật quốc tế Lannelongue. Giáo sư Tôn Thất Tùng sinh năm 1912, mất năm 1982. Ông là một bác sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước ở lĩnh vực gan và phẫu thuật gan. Giáo sư đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển y học Việt Nam. Năm 1996, Giáo sư được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học đợt I.

- Ngày 20 đến 23-9-1971: Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng Đông Nam Bộ và Sài Gòn. Tham dự Đại hội có hàng trăm đại biểu của các đơn vị chủ lực, bộ đội địa phương. Đại hội đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong giai đoạn đánh thắng chiến lược “Việt Nam hóa” chiến tranh của đế quốc Mỹ đón nhận quyết định của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên dương 21 Đơn vị Anh hùng và 16 Anh hùng các Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.

- Ngày 20-9-1977: Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc. Kể từ đó đến nay, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, tham gia vào các hoạt động của Liên hợp quốc (LHQ), tăng cường, mở rộng quan hệ với các thành viên, các cơ quan thuộc hệ thống LHQ. Hoạt động hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các cơ quan phát triển của LHQ đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.Việt Nam hiện là một trong 8 nước triển khai thí điểm sáng kiến “Một Liên hợp quốc” ở cấp độ quốc gia - một nội dung về cải tổ được Liên hợp quốc rất coi trọng. Đặc biệt, nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam được bầu làm Ủy viên Không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Sự kiện này khẳng định vị thế và vai trò của Việt Nam tại Liên hợp quốc ngày càng được nâng cao.

Theo TTXVN