Đồng chí Kiều Văn Đay, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Thuận Nam cho biết: Hằng năm, Ban chỉ đạo phong trào đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của 5 nội dung đến toàn thể nhân dân. Qua đó, nâng cao ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của người dân. Đặc biệt, nội dung xây dựng đời sống kinh tế ổn định và phát triển được nhân dân tích cực tham gia. Thông qua đó, xuất hiện nhiều phong trào mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Phong trào sản xuất giỏi và huy động vốn không lãi trong Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ; thành lập các CLB Khuyến nông, hướng dẫn khoa học-kỹ thuật, giúp đỡ nhau về giống, vốn, cây trồng, vật nuôi, phát triển thêm ngành nghề mới, giới thiệu việc làm cho lao động nhàn rỗi, quân nhân xuất ngũ trở về địa phương... Qua cuộc vận động đã phát huy tinh thần đoàn kết và huy động được nhiều nguồn lực giúp nhau đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đến nay, 99% hộ gia đình sử dụng lưới điện quốc gia; trên 80% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 9,41%.
Bê tông hóa đường nông thôn ở xã Phước Nam (Thuận Nam). Ảnh: Văn Thanh
Cùng với việc phát triển kinh tế, công tác y tế, giáo dục luôn được chú trọng. Các địa phương đều có Trung tâm học tập cộng đồng; 95% trẻ em được tiêm chủng phòng 7 loại bệnh. Ông Thập Tý, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã Phước Nam cho biết: Từ khi xây dựng Trung tâm học tập cộng đồng ở xã, phong trào khuyến học địa phương ngày càng phát triển. Trung bình mỗi năm có 10-12 lớp tập huấn về các nội dung như: bảo vệ thực vật, chăn nuôi, phòng chống thiên tai, dịch bệnh… thu hút hàng trăm lượt người tham gia. Công tác phòng, chống dịch bện h, xây dựng nhà vệ sinh, thu gom rác thải từng bước được triển khai có hiệu quả.
Với truyền thống “Tương thân tương ái” các hoạt động từ thiện được khơi dậy mạnh mẽ, kịp thời giúp đỡ những gia đình còn khó khăn bằng những việc làm thiết thực như: xây dựng 36 căn nhà Đại đoàn kết, với kinh phí 900 triệu đồng, tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo; trợ cấp học bổng cho học sinh nghèo hiếu học... Ngoài việc triển khai thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước, Mặt trận phối hợp cùng ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động các ngành, các đơn vị, các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và nhân dân trên địa bàn huyện hưởng ứng đóng góp vào Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Nhờ vậy, đời sống của các gia đình chính sách từng bước được cải thiện...
Mặt trận tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào phù hợp với điều kiện, đặc điểm từng vùng. Theo đó, người dân tích cực hưởng ứng các phong trào xây dựng khu dân cư lành mạnh như: thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ, hội; bảo vệ cảnh quan môi trường, trồng cây xanh, tham gia các CLB văn nghệ, thể dục thể thao... Các tiêu chí gia đình văn hóa, làng văn hóa, các hương ước, quy ước làng văn hóa được bổ sung phù hợp với thực tiễn. Các phong trào “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Phụ nữ thi đua học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc”, “5 xung kích, 4 đồng hành” được duy trì và phát huy tốt. Nhiều khu dân cư thực hiện tốt công tác tự quản về ANTT, quản lý, giáo dục cảm hóa người lầm lỗi tiến bộ hòa nhập với cộng đồng. Đến nay, toàn huyện thành lập 182 tổ tự quản, góp phần giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.
Hằng năm, huyện tích cực phát động các phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Khu phố văn hóa” trên toàn khu dân cư. Nhờ đó, tỷ lệ gia đình văn hóa; thôn văn hóa tăng theo các năm: Năm 2013 có 8.755 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; toàn huyện hiện có 19 thôn đạt danh hiệu Thôn Văn hóa cấp huyện.
Có thể nói phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trên địa bàn Thuận Nam ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới; đời sống nhân dân ổn định; nếp sống và sinh hoạt cộng đồng hướng dần đến văn minh, hiện đại.
Mỹ Dung