Chuyện ở gia đình
Có gia đình, cô vợ còn khá trẻ nhưng vì vỡ kế hoạch sinh liền hai năm hai đứa con. Chồng là cán bộ kỹ thuật binh chủng không quân thường đi công tác xa làm nhiệm vụ bảo dưỡng, bảo trì các thiết bị khí tài quân dụng, lâu lâu mới ghé thăm nhà. Vậy mà năm nào cô cũng được tập thể bình chọn danh hiệu “Phụ nữ hai giỏi” (giỏi việc nước-đảm việc nhà), được Liên đoàn Lao động tỉnh khen thưởng trong dịp biểu dương nữ công nhân viên chức toàn tỉnh. Chia sẻ kinh nghiệm chị cho biết: May mắn là mình có mẹ đẻ ở cùng giúp đỡ, còn việc nuôi dạy con cái, việc gia đình, việc cơ quan ông bà ta, sách vở nói hết rồi mình chỉ việc áp dụng đúng với hoàn cảnh thực tế là được. Ví như dạy dỗ con cái, mình dạy gì phải làm mẫu trước để con cái học theo; giáo dục con điều gì mình phải là tấm gương để con soi…nghĩa là phải luôn rèn mình từ lời nói, miếng ăn đến việc làm để con cái thấy đó mà học tập làm theo. Công việc cơ quan thì đơn giản hơn bởi có quy chế, quy định, có đồng nghiệp hỗ trợ, có lãnh đạo quan tâm, mình chỉ cần làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, coi việc cơ quan như chính việc gia đình mình. Nghe xong mọi người trầm trồ thán phục: Thật xứng danh “Hai giỏi”, cô ấy lấy gương mình để nuôi dạy giáo dục con cái và làm tốt nhiệm vụ cơ quan giao, nghe dễ như thò tay vào túi mình lấy tiền vậy mà sao ta làm chưa được!
Chuyện ở cơ quan
Cơ quan nọ có thủ trưởng năm nay tuổi gần 50 xuân. Học xong trung học cơ sở anh làm cán bộ xã, sau đó tốt nghiệp trung học bổ túc lớp “vừa học, vừa làm” rồi lấy bằng cử nhân hệ học “qua loa” (giảng viên truyền đạt kiến thức cho học viên tại lớp qua loa truyền thanh). Vốn trưởng thành từ cán bộ cơ sở lại được học hành khá đầy đủ nên anh được xem là mẫu cán bộ có cả vốn thực tiễn lẫn lý luận. Trong quản lý cơ quan anh luôn yêu cầu mọi người phải gương mẫu. Nào công việc phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả, nào phải chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính. Công việc cơ quan anh “giao tuốt” cho cấp phó phụ trách, bản thân chỉ đạo chung chung và ngoại giao là chính. Khen thưởng mâm nào anh cũng có phần... Sơ lược lý lịch “khen thưởng” của anh thật đáng tự hào, chiến sĩ thi đua các cấp, bằng khen, huân chương đủ cả nhưng hiềm một nỗi là anh em trong cơ quan lại không nể phục. Trong một lần họp cơ quan, thủ trưởng “lên lớp” anh chuyên viên có trên 40 năm công tác rằng “anh phải gương mẫu cho các cháu học tập”. Khổ thay, sau lần họp đó, anh lớn tuổi nọ buồn rầu tâm sự với đồng nghiệp: Mình vào chết ra sống từ hồi chống Mỹ đến nay, hoàn thành tốt nhiệm vụ, trên 40 năm công tác, gần 40 năm tuổi Đảng vậy mà sếp phê bình chưa gương mẫu…Anh chuyên viên trẻ tuổi tiếp lời: Tại anh không phấn đấu làm “sếp”, mấy lần trình văn bản cho thủ trưởng em “nghiêng nghiêng” thấy “sếp” toàn coi phim…Chị tuổi trung niên góp thêm: Sếp đi làm giờ nào cũng được, đi đâu là đi ai biết, cứ như chị em mình đi làm trễ giờ một chút là bị nhắc nhở, phê bình, họp hành lúc nào cũng được nghe bản điệp khúc “trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật…”. Rồi chị kết luận: Sướng như “sếp” nói gì cũng phải nghe, đố dám nói lại.!
Nhân đây, xin nói thêm về phong cách nêu gương, nói đi đôi với làm của Bác Hồ: Khi nước nhà vừa giành được độc lập năm 1945, đứng trước nạn đói đang hoàng hành, Người kêu gọi toàn dân diệt “giặc đói”, bản thân Người mười ngày nhịn ăn một bữa để lấy số gạo tiết kiệm đó cứu những người bị đói và chính Người dù phải làm việc nhiều, sức khỏe giảm sút vì vừa trải qua một trận ốm nặng… vẫn yêu cầu nấu cơm độn 50% cho mình đúng như cơm của bộ đội, công nhân. Vậy thì lẽ nào mỗi chúng ta lại không học tập làm theo Bác, người càng giữ trọng trách cao thì càng phải “gương mẫu” nhiều hơn. Tuy vậy, để gương mẫu trở thành việc hàng ngày của mỗi người thì như cách chia sẻ của chị “Hai giỏi”, việc còn lại là cơ chế vận hành sao cho ai ai cũng gương mẫu và như vậy việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” hiện nay sẽ có sức lan toả mạnh mẽ hơn trong mỗi cơ quan, đơn vị và toàn xã hội.
Thanh Tâm