Vấn đề hôm nay:

Đã đến lúc kiên quyết nói… không!

(NTO) Những năm gần đây, cùng với phát triển kinh tế có thể nói dịch vụ quảng cáo “dán cột”, phát tờ rơi đã “nở rộ”. Dịch vụ này “lợi” thì dành cho doanh nghiệp, cá nhân quảng cáo nhưng “hại” thì dành cho cộng đồng.

Đầu tiên đó là làm xấu bộ mặt đô thị từ thị trấn, thị tứ đến thành phố, kế đến là xả rác bởi tờ rơi bị “ép” nhận bởi người phát và khi đã “bị” nhận không cần xem nội dung nhiều người đã vứt ngay xuống đường, mặc cho gió cuốn bay tứ tán. Đó là mới chỉ đề cập đến trường hợp “bị” nhận nơi đông người, nhất là tại các chốt đèn giao thông, còn có “kiểu” khác là phát… tại gia bằng cách “ném” vào nhà hoặc nhét vào cửa ngõ… Thôi thì cách gì cũng được miễn sao người phát hoàn thành được “chỉ tiêu”. Tất nhiên, theo tâm lý chung một khi “bị” nhận thì thường khó chịu dẫn đến vứt lại. Vậy là đường công cộng tiếp nhận tất cả…

Các cột đèn giao thông "bị" dán nhiều thông báo, quảng cáo. Ảnh: Bảo Bình

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để hạn chế tình trạng này?. Đã có nhiều ý kiến, người thì đồng tình với hình thức quảng cáo này vì cho rằng đây là con đường “ngắn nhất” từ sản xuất đến người tiêu dùng. Ngược lại, nhiều người thì bất bình cho rằng bị làm phiền đồng thời rất thiếu tin vào nội dung quảng cáo… “vỉa hè” này.

Thậm chí có không ít người còn thẳng thừng: - Hơi đâu tin vào quảng cáo vặt đó!. Chuyện tin hay không là tùy vào người sử dụng hay không sử dụng dịch vụ được quảng cáo, điều chúng tôi muốn nói ở đây là hàng trăm, hàng ngàn tờ rơi trở thành… rác thì không còn là nhỏ. Vậy xử lý ra sao? Qua tìm hiểu, nhiều ý kiến đồng tình rằng đã đến lúc phải “nói không” với loại hình quảng cáo “vỉa hè” này, nghĩa là từ chối nhận khi gặp người đưa tờ rơi ở mọi nơi. Nếu “bị” nhận thì không vứt lại tại chỗ mà hoặc là mang về nhà tiêu hủy hoặc mang đến thùng rác công cộng để bỏ. Làm được như vậy thì góp phần vừa bảo vệ môi trường vừa tạo vẻ mỹ quan cho đô thị. Mặt khác, ngành Văn hóa cũng cần kiểm tra để có chế tài xử lý các trường hợp quảng cáo sai quy định, đồng thời tuyên truyền cho người dân về thái độ “ứng xử” khi nhận các tờ rơi, không vứt bừa bãi ra môi trường…

Được biết, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đã có biện pháp hạn chế “loại hình” quảng cáo này bằng cách dựng một số cụm pa-nô công cộng để ai có nhu cầu thì đến dán các mẫu quảng cáo. Đây là cách làm mới, tạo thói quen tốt và văn hóa cho người dân. Mong rằng các địa phương khác cần quan tâm để khả dĩ có thể làm tại địa phương mình.