Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
Lê Như Tiến phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TTXVN)
Cần báo cáo về việc quản lý, sử dụng nhà công vụ
Quy định tại Dự thảo luật nêu rõ, Nhà nước đầu tư vốn từ ngân sách gồm cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để xây dựng nhà ở công vụ hoặc để mua, thuê nhà ở thương mại làm nhà ở công vụ. Nhà ở công vụ gồm nhà ở công vụ của trung ương và nhà ở công vụ của địa phương.
Một số ý kiến ĐBQH chuyên trách tại Hội nghị bày tỏ đồng tình với việc tiếp tục thực hiện chính sách về nhà ở công vụ như Luật nhà ở hiện hành nhưng nên thu hẹp phạm vi đối tượng và cần bổ sung chặt chẽ về việc quản lý, sử dụng nhà công vụ trong dự thảo Luật.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đặt vấn đề, thời gian qua, dư luận và cử tri cho rằng việc quản lý và sử dụng nhà ở công vụ còn nhiều bất cập dẫn đến việc sử dụng không đúng đối tượng, sai mục đích hoặc nhiều người không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn được ở nhà công vụ. Tuy nhiên, theo ĐB dự luật thiết kế quy định đối tượng được ở nhà công vụ vẫn nghiêng nhiều về người có điều kiện, còn nhóm yếu thế, khó khăn, đặc biệt với người có công chưa phù hợp. “Nên có quy định về nhà công vụ nhưng cần thu hẹp phạm vi” – ĐB Vinh đề nghị.
Cũng quan tâm đến vấn đề nhà ở công vụ, ĐB Chu Sơn Hà (TP Hà Nội) đồng tình phải có thiết kế quy định về nhà ở công vụ trong dự án luật. Tuy nhiên, theo ĐB chỉ nên áp dụng chế độ nhà ở công vụ cho cán bộ cấp cao cần bảo vệ an ninh, không cần thiết áp dụng chế độ này cho các đối tượng khác. Ngoài việc bố trí nhà ở cho cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước thì ĐB Chu Sơn Hà cho rằng nên khuyến khích các vùng sâu, vùng xa tạo nhà công vụ cho cán bộ, còn cán bộ ở khu đô thị thì không nên khuyến khích mà nên giao cho một doanh nghiệp đứng ra chịu trách nhiệm cho thuê như cho thuê với các đối tượng khác để tạo sự công bằng trong đội ngũ cán bộ.
Phát biểu về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến đề nghị Chính phủ cần có báo cáo về việc quản lý, sử dụng nhà công vụ và các biệt thự để các ĐBQH biết và xem xét quyết định.
Còn theo ĐB Lê Nam (Thanh Hóa), nhu cầu nhà ở công vụ không chỉ cần thiết với cán bộ ở thành phố mà còn với cán bộ ở vùng sâu vùng xa. Phản biện lại ý kiến cho rằng không nên bố trí nhà ở công vụ cho cán bộ thành phố, ĐB Lê Nam nêu quan điểm “không phải ai cũng thích về Hà Nội, nên việc bố trí nhà ở công vụ là cần thiết để họ đảm bảo cuộc sống, yên tâm hoàn thành nhiệm vụ”.
Quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội cho thuê
Ngoài chính sách nhà ở công vụ, chính sách nhà ở xã hội cũng là nội dung được các đại biểu quan tâm. Các ý kiến tại Hội nghị đều đánh giá đây là một điểm sáng của dự luật.
ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) đồng tình cần có chính sách ưu đãi hỗ trợ cho toàn dân làm nhà ở xã hội. Song ĐB băn khoăn “phải chăng chúng ta chỉ ưu đãi cho doanh nghiệp còn người dân làm nhà cho thuê lại chưa được quan tâm?”. Theo ĐB, dự án luật ngoài việc thiết kế các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thì phải hỗ trợ tất cả các đối tượng khác làm nhà ở xã hội để đảm bảo tinh thần của Hiến pháp là “các thành phần kinh tế đều được bình đẳng trước pháp luật”.
Xung quanh vấn đề này, ĐB Lê Như Tiến đánh giá quy định về chính sách nhà ở xã hội như dự thảo đã thể chế hóa được quy định của Hiến pháp về đảm bảo quyền về chỗ ở cho nhân dân. Tuy nhiên, đề cập đến thực tế các chủ đầu tư hiện chỉ chú trọng đến phát triển nhà ở xã hội để bán, ĐB cho rằng dự thảo luật cần cần nghiên cứu để có thêm cơ chế cả bắt buộc và khuyến khích việc phát triển nhà ở xã hội cho thuê như: được vay ưu đãi với lãi suất thấp, thời gian vay dài; quy định bắt buộc chủ đầu tư phải dành 20 - 30% diện tích nhà ở xã hội để cho thuê, sau 5 - 10 năm cho thuê thì được bán lại cho người thuê...
Về Quỹ phát triển nhà ở xã hội, ĐB tán thành việc lập Quỹ này tại một số địa phương để tạo thêm một kênh huy động vốn với lãi suất ưu đãi, ổn định và thời gian cho vay dài hạn của các địa phương có nhu cầu cao về nhà ở nhằm hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn về nhà ở được vay vốn từ Quỹ để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội hoặc hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay vốn tham gia phát triển nhà ở xã hội.
ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cũng đề nghị, nên “chốt” phương án là thành lập Quỹ ở các địa phương đông công nhân, vì quỹ này sẽ hỗ trợ để phát triển nhà ở cho công nhân.
Trái với các quan điểm trên, ĐB Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) không tán thành việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội mà nên đưa việc huy động vốn của Quỹ vào Ngân hàng chính sách xã hội.
ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng để các ĐBQH có căn cứ quyết định việc thành lập Quỹ hay không thì Bộ Xây dựng phải có báo cáo rõ về việc thực hiện quỹ này trong thực tế./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam