Phở gõ - ẩm thực hè phố về đêm

(NTO) Phở gõ một món ăn đêm của nhiều người vừa đơn giản, vừa bình dân lại phù hợp với mọi túi tiền người lao động.

Tôi lớn lên ở xóm lao động nghèo, người dân mở mắt ra là lo đi làm kiếm kế sinh nhai. Một tô phở theo đúng nghĩa đối với họ đó là món ăn xa xỉ, nhưng phở gõ thì đêm nào cũng được ăn vì giá rất bình dân. Chẳng biết phở gõ có từ khi nào nhưng những người bán đa phần là quê ở Quảng Ngãi hoặc Bình Định.

Ảnh minh họa.

Dạo một vòng quanh Tp. Phan Rang-Tháp Chàm lúc về đêm chúng ta dễ dàng nhận thấy những chiếc xe phở gõ khói nghi ngút. Nét đặc trưng của phở gõ ở nghệ thuật cắt thịt mỏng như lá lúa, nước lèo với vị ngọt của củ cải và bột nêm Knor nhiều hơn là nước hầm xương. Dù vậy, nhiều người vẫn thích vì chỉ 10.000 đồng là có thể thưởng thức một tô phở nóng hổi với trứng cút, vài lát thịt, tép chả lụa và một ít mì. Chỉ cần thêm 5.000 đồng ta sẽ có một tô đặc biệt kèm theo một khoanh giò chẳng khác gì “phở hiệu”. Khách rất đa dạng là những người đi chơi về khuya, những lao động tăng ca, hay những bác xe thồ cố tìm một chuyến xe muộn, những sinh viên làm thêm, những bác lao công hay đơn giản chỉ là những người có thói quen ăn đêm. Chị Hoa bán phở gõ trên đường Trần Nhân Tông, Tp. Phan Rang- Tháp Chàm cho biết, chị bán được 20 năm rồi, ban đầu anh của chị vào trước, sau đưa các chị em ở quê vào cùng bán ở các ngã đường. Hiện nay cả bảy anh chị em đều làm nghề này và người nào cũng có nhà, có đất ở hẳn hoi, con cái đi học nhờ vào xe phở này cả. “Nghề này phải chịu khó là sống được”- chị Nga bán ở đường Ngô Gia Tự, cho biết. Để có một gánh phở bán đêm chị phải dậy sớm đi chợ đầu mối mua rau, thịt giá mới rẻ. Về nhà tất bật làm đến trưa, nghỉ ngơi một chút, bốn giờ chiều dọn hàng bán đến 1-2 giờ sáng . Mỗi ngày họ chỉ nghỉ ngơi được vài tiếng nhưng bù lại thu nhập ổn định.

Ngày xưa phở gõ được bán di động, xe đi đến đâu thì người bán dùng hai thanh tre gõ vào nhau nghe lóc cóc để thay tiếng rao hàng. Những đứa trẻ len lõi vào các con hẻm, ngõ phố, bưng phở tới tận nhà cho khách. Thời đó, muốn ăn phở mọi người chỉ việc gọi cậu bé đang gõ là có thể thưởng thức tại nhà, thật tiện lợi biết bao. Ngày nay phở gõ bán cố định ở góc phố nào đó, người ăn phải đến tận nơi thưởng thức. Khi được hỏi sao không đi gõ nữa chị chủ quán cho biết “ khi mới vào phải đi gõ người ta mới biết, nay bán lâu rồi mọi người đều biết nên không gõ nữa. Với lại bán kiểu ngày xưa khó thu tiền lại bị mất tô nhiều quá nên không làm.”

Phở gõ món ăn bình dân đã khiến bao thực khách nán lại thưởng thức,và rồi nó” vô tình” trở thành thói quen của nhiều người dân từ lúc nào không biết. Bán phở gõ trở thành nghề đem lại cuộc sống ổn định cho lao động phổ thông, là nét văn hóa rất bình dị, đại diện cho ẩm thực vỉa hè trong đêm, mặc dù tiếng lóc cóc chỉ còn trong dĩ vãng.