Tuy nhiên, bên cạnh sự đơn giản và tiện dụng của XĐĐ thì luôn tiềm ẩn yếu tố mất an toàn trong tham gia giao thông. Thực tế ghi nhận, trong 8 tháng năm 2014, trên địa bàn tỉnh ta xảy ra 16 vụ tai nạn, va chạm giao thông liên quan đến XĐĐ, làm 6 người chết, 23 người bị thương. Số liệu cho thấy, tuy số vụ xảy ra khiêm tốn nhưng tỉ lệ người chết và bị thương khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ.
Thiếu niên đi xe đạp điện chở 3 và không đội mũ bảo hiểm. Ảnh: Anh Tuấn
Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ tình trạng vi phạm trật tự ATGT của người điều khiển phương tiện XĐĐ. Khi tham gia giao thông, vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định, dàn hàng ngang trên đường, tùy tiện chuyển hướng khi không có tín hiệu báo rẽ, chạy quá tốc độ cho phép… khiến cho XĐĐ trở thành “mối nguy” trên đường phố và không ít người ngán ngẩm gọi là “xe điên” bởi ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của các đối tượng quá kém.
Một số yếu tố gây mất an toàn nhận thấy nhiều ở XĐĐ là bộ phận phanh (thắng) không đảm bảo. Cùng với sự cải tiến về mẫu mã thì tốc độ của loại phương tiện này cũng được nâng lên, nhiều dòng xe có thể đạt vận tốc tối đa khoảng 50km/h. Nhưng thực tế, theo đánh giá của Cục Kiểm định chất lượng Việt Nam, hệ thống phanh của XĐĐ thường chỉ đảm bảo an toàn khi chạy với vận tốc là 25km/h. Do đó người điều khiển nếu không làm chủ tốc độ cho phép thì khi tình huống bất ngờ xảy ra sẽ khó xử trí kịp thời, nhất là đối với thiếu niên, học sinh thích chạy đua tốc độ với nhau.
Để việc sử dụng XĐĐ được an toàn, góp phần đảm bảo trật tự ATGT, ngoài việc đảm bảo điều kiện an toàn khi tham gia giao thông như: đèn chiếu sáng, phanh (thắng) và chuông báo hiệu, phù hợp với loại phương tiện XĐĐ thì việc nghiêm túc chấp hành pháp luật giao thông là cần thiết. Các cơ quan chức năng cần tăng cường tuần tra, xử phạt một cách nghiêm khắc những hành vi vi phạm ATGT của người điều khiển XĐĐ.
Hải Hà-Hải Yến