Đến thăm Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Ngô Quyền (xã Phước Tiến) vào ngày thứ 2 của năm học 2014-2015, hình ảnh đầu tiên ấn tượng với chúng tôi là những thầy giáo đang chăm sóc cây xanh, tỉ mẫn tỉa từng lá cây, xới gốc, nhổ cỏ, chăm chút cho từng khóm hoa…như những người làm vườn thực thụ. Anh Lê Quang Minh, Phó Hiệu trưởng nhà trường hóm hỉnh: “Ngoài giờ lên lớp thì giáo viên chúng tôi còn là thợ hồ, thợ mộc, thợ ống nước, người chăm sóc cây cảnh mát tay… chẳng thua kém ai đâu”.
Học sinh Trường TH Phước Thắng ôn bài trước nhà sàn do thầy cô xây dựng.
Quả vậy, đi dạo một vòng quanh trường, mấy chục chậu cây cảnh được tỉa lá, uốn cành công phu. Những bồn hoa được xây dựng cách điệu, có hệ thống tưới nước tự động. Từ những viên đá, hòn sỏi tưởng chừng như vô tri đã được mang những thông điệp rất ý nghĩa qua cách sắp xếp và viết, vẽ thư pháp lên đó. Đưa chúng tôi đi giữa vườn hoa vừa được xây dựng và lắp hệ thống tưới nước tự động, thầy giáo Lê Quang Minh chia sẻ: Thầy, cô giáo ở đây coi trường như nhà, học sinh như con em mình, nên chăm chút với từng mảnh đất, gốc cây góp phần cho trường xanh-sạch-đẹp, có nơi cho học sinh vui chơi và gắn bó hơn với trường”. Ngoài những bồn hoa, cây cảnh… đã được xây dựng từ những năm học trước, trong dịp hè vừa qua, Trường PTDTBT THCS Ngô Quyền được Phòng GD&ĐT hỗ trợ xi-măng và tự bỏ kinh phí mua vật liệu, ngày công để xây thêm 8 bồn hoa mới, trồng thêm cây xanh, lắp hệ thống đường ống tưới nước và thiết kế thêm một số mô hình như công viên thu nhỏ tạo môi trường vui chơi, học tập thân thiện cho học sinh. Nhà trường cũng nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh để bê-tông sân trước khu nội trú học sinh với tổng kinh phí 50 triệu đồng.
Tại Trường TH Phước Thắng chúng tôi đã ghi lại những hình ảnh rất đáng yêu của học sinh nơi đây. Những học sinh Raglai đang ríu rít nô đùa, học chụp ảnh từ thầy giáo trong một công viên thu nhỏ có đủ vườn hoa, ghế đá, cây xanh, ô che nắng… Cạnh đó không xa, những học sinh lớp 2 đang ngồi trên cầu thang nhà sàn ê-a đọc sách; học sinh khối 4, 5 lại đang say sưa ngắm mô hình bản đồ Việt Nam và biển, đảo, có em đọc to dòng chữ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Thật đáng khâm phục khi tất cả những công trình này đều do chính các thầy cô giáo và phụ huynh học sinh chung tay tạo nên. Anh Dương Văn Công, Bí thư Chi đoàn Thanh niên Trường TH Phước Thắng cho biết, từ sự khích lệ của Phòng GD&ĐT bằng việc hỗ trợ xi-măng, 100% đoàn viên, thanh niên của chi đoàn nhất trí đóng góp thêm 200 ngàn đồng/người để mua vật liệu và bắt tay vào thiết kế các mô hình về biển, đảo của Tổ quốc. Nhìn những đôi mắt tròn xoe, những bàn tay nhỏ bé chỉ trỏ, ngắm nhìn và gọi tên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên mô hình biển đảo, những nụ cười hồn nhiên khi nô đùa trên nhà sàn… tôi hiểu vì sao các thầy cô giáo ở đây lại hy sinh nhiều thời gian, công sức và dồn tâm huyết cho những công trình đến vậy.
Nghe chia sẻ cảm nhận của tôi về những công trình vừa được tham quan, chị Trần Thùy Vân, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bác Ái không giấu được vẻ hào hứng, chia sẻ thêm: Trong dịp hè vừa rồi, có 13 trường trên địa bàn huyện có “công trình” chào mừng học sinh bước vào năm học mới. Đó có thể là con đường nhỏ bê-tông để tránh sình lầy trước sân trường, hay vườn hoa, cây cảnh, nhà sàn… vốn đã quen thuộc, đến những mô hình sáng tạo hơn như công viên, bản đồ, biển đảo Việt Nam… tất cả đều mang đầy nhiệt huyết của các thầy, cô giáo nhằm tạo không gian học tập tốt hơn để thu hút học sinh đến trường, giữ chân các em ở lại lớp... Ngoài số xi-măng được phòng GD&ĐT hỗ trợ, toàn bộ kinh phí đều do các trường tự bỏ ra, huy động giáo viên góp ngày công và “nhờ” thêm Đoàn Thanh niên địa phương, phụ huynh giúp sức…”.
Chia tay các điểm trường Bác Ái, những công trình mới của các thầy cô giáo hôm nay không chỉ là niềm vui mới để các em đến trường, yêu hơn thầy cô, bè bạn… mà từ đây các em cũng sẽ có thêm những giờ học sinh động về ý thức bảo vệ môi trường, yêu quê hương và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc…
Bích Thủy