Toàn xã có 5 thôn, 2.488 hộ, với gần 11.800 nhân khẩu, trong đó có 5.097 phụ nữ trong tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi). Người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác, đánh bắt thuỷ sản, nên nhiều gia đình muốn có con trai để nối nghiệp nghề đi biển. Chị Ngô Thị Thanh Yên, cán bộ phụ trách dân số xã Phước Diêm, cho biết: Trước đây, công tác dân số-KHHGĐ trên địa bàn xã Phước Diêm gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ gia tăng dân số và phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên khá cao. Sau khi triển khai Đề án 52, nhiều phụ nữ được tư vấn và khám thai; người dân được tiếp cận nhiều dịch vụ tư vấn KHHGĐ. Từ đầu năm đến nay, toàn xã có 1.277 cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai, đạt 65%.
Để có được kết quả trên, trong quá trình triển khai đề án, Trạm Y tế xã phối hợp với địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông về dân số. Từ đầu năm đến nay, tổ chức 2 buổi nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền lồng ghép vào các buổi sinh hoạt ở địa phương, treo các băng-rôn, khẩu hiệu về nội dung CSSKSS- KHHGĐ ở những vị trí thuận lợi giúp người dân dễ thấy nhất. Qua đó, góp phần giúp người dân nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi và thực hiện tốt việc giảm sinh, giảm sinh con thứ 3 trở lên. Ngoài ra, Trạm Y tế còn duy trì hoạt động hiệu quả 1 câu lạc bộ không sinh con thứ 3; tư vấn nhóm cho các đối tượng nam ngư dân, vị thành niên, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; khám và phát hiện bệnh cho phụ nữ... Chị Trần Thị Thanh Xuân, thôn Lạc Tân 1 tâm sự: Được các cộng tác viên dân số tuyên truyền lợi ích việc sinh con ít, vợ chồng tôi quyết định thực hiện các biện pháp tránh thai để đảm bảo sức khỏe, nuôi dạy con tốt hơn.
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, 21 cộng tác viên dân số được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn, luôn nhiệt tình tuyên truyền, vận động người dân thực hiện KHHGĐ. Bằng nhiều giải pháp thiết thực, tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên toàn xã giảm còn 1,1%, tỷ suất sinh giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2013, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao.
Mỹ Dung