Khi từ biệt thế giới này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng bản Di chúc lịch sử. Bản Di chúc là những lời tiên tri, dự liệu và nhắn nhủ của vị lãnh tụ kính yêu suốt đời vì nước, vì dân, của bậc đại trí, đại nhân, đại dũng.
Suốt 45 năm qua, toàn Đảng, toàn dân thực hiện Di chúc của Người đã càng làm sáng ngời những giá trị lý luận và thực tiễn của một văn kiện bất hủ, được viết ra từ một trái tim và trí tuệ lớn, “tinh hoa và khí phách của dân tộc, lương tâm của thời đại”.
Đạo đức cách mạng là gốc của người lãnh đạo
Trước hết nói về Đảng, là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng, Hồ Chí Minh đã cùng với Đảng lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh cách mạng của toàn dân tộc tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Người thấu hiểu và luôn luôn rèn luyện bản chất cách mạng của Đảng, đó là một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Người khẳng định điều đó trong Di chúc, khẳng định bản chất giai cấp, bản chất nhân dân và dân tộc trong sáng của Đảng suốt chặng đường lịch sử đã qua và cũng là mong muốn trong sự phát triển của Đảng không bao giờ được xa rời bản chất và mục tiêu cao cả đó. Đó là giá trị lý luận bền vững về bản chất cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, bảo đảm sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với giai cấp, nhân dân và dân tộc.
Trong Di chúc, Hồ Chí Minh đề cập nhiều vấn đề về trách nhiệm và những yêu cầu đặt ra đối với Đảng cầm quyền. Đảng muốn lãnh đạo và cầm quyền tốt phải đoàn kết. Đoàn kết vừa là truyền thống quý báu vừa là nguyên tắc xây dựng Đảng. Chỉ có đoàn kết trong Đảng mới có thể đoàn kết nhân dân và toàn dân tộc.
Với ý nghĩa đó, Người căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Mọi sự chia rẽ đều là nguy cơ dẫn tới sự thất bại và sụp đổ.
Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu, “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Dân chủ trong Đảng nhằm phát huy trí tuệ của Đảng và sức mạnh đoàn kết của Đảng và cũng là hạt nhân để đoàn kết toàn dân, toàn xã hội.
Tự phê bình và phê bình mà Hồ Chí Minh căn dặn thật sự là quy luật phát triển Đảng, làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh. Hiện nay, toàn Đảng đang thực hiện thường xuyên tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI. Đó là cách tốt nhất và có ý nghĩa sâu sắc trong học tập, làm theo Di chúc của Bác Hồ.
Trong Di chúc, Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Suốt đời, Hồ Chí Minh nêu tấm gương trong sáng về đạo đức cách mạng và cũng suốt đời Người chăm lo giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Người coi đạo đức cách mạng là cái gốc của người lãnh đạo, của Đảng cầm quyền. Hồ Chí Minh phải nhấn mạnh đạo đức của người cách mạng vì Người đã sớm nhìn thấy sự tha hóa, hư hỏng của một bộ phận cán bộ, đảng viên và thật sự lo lắng về điều đó.
Những vấn đề về xây dựng Đảng của một Đảng cầm quyền mà Hồ Chí Minh viết trong Di chúc là những điều Người chiêm nghiệm, suy ngẫm từ lý luận và nhất là từ thực tiễn lãnh đạo của Đảng.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hiện nay không thể tách rời thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, nhất là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh bắt đầu từ nhân dân và cuối cùng cũng vì nhân dân, vì con người. Người từng nói “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”.
Hồ Chí Minh yêu thương, quý trọng con người và mong muốn đồng bào, đồng chí ăn ở với nhau có tình có nghĩa. Trong Di chúc, Người cho rằng, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý vì nhân dân.
Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng vì đất nước, vì nhân dân và con người.
Chăm lo xây dựng thế hệ kế thừa
Người dự báo sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước nhất định thắng lợi hoàn toàn, đó là một điều chắc chắn. Người căn dặn, ngay sau khi cuộc chống Mỹ cứu nước thắng lợi, phải mau chóng hàn gắn viết thương chiến tranh, chăm sóc con người, từ các thương binh, gia đình liệt sĩ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, phụ nữ, miễn thuế nông nghiệp một năm cho nông dân và quan tâm cả những nạn nhân của chế độ cũ.
Hồ Chí Minh nghĩ nhiều về công việc xây dựng lại đất nước sau ngày kháng chiến thắng lợi. Xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế. Phát triển, sửa đổi chế độ giáo dục, y tế; củng cố quốc phòng.
Đó là những công việc rất to lớn, nặng nề và phức tạp nhưng rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Đó là cuộc chiến đấu khổng lồ, cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân.
Hồ Chí Minh chia sẻ nỗi khó khăn của nhân dân “đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều nǎm chiến tranh”.
Tuy trải qua khó khăn, nhưng theo Người “nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hǎng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”. Do vậy, “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Động viên toàn dân, dựa vào lực lượng của nhân dân gắn liền với chăm lo đời sống mọi mặt của nhân dân là công việc, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước. Hồ Chí Minh luôn luôn thống nhất giữa các yêu cầu đó nhằm phát huy cao nhất sức mạnh, sự sáng tạo, ý thức trách nhiệm của dân để làm lợi cho dân.
Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, Hồ Chí Minh đặt niềm tin vào thế hệ trẻ, vào đoàn viên và thanh niên. Người căn dặn, “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên””. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.
Đọc Di chúc của Bác Hồ, suy ngẫm về những điều Người dự liệu, ủy thác, thế hệ hôm nay càng thấy ý nghĩa sâu sắc từ các vấn đề trọng đại của đất nước và dân tộc. Đất nước đang không ngừng đổi mới đàng hoàng hơn, to đẹp nhiều hơn trước, đời sống nhân dân được cải thiện, độc lập chủ quyền được giữ vững, vị thế quốc tế tăng lên.
Tiếp tục thực hiện Di chúc của Bác, toàn Đảng, toàn dân kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển đất nước theo Cương lĩnh, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; không ngừng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; chăm lo xây dựng con người Việt Nam yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.
Đó là những điều căn bản nhất để phát triển bền vững đất nước theo ước nguyện của Bác Hồ.
Nguồn chinhphu.vn