Tăng cường quản lý đất, cát san lấp

(NTO) Do nhu cầu san lấp mặt bằng xây dựng công trình tại tỉnh ta đang ở mức cao, trong khi công tác giám sát, quản lý tại một số địa phương chưa được chú trọng dẫn đến tình trạng khai thác đất, cát trái phép đang diễn ra tại một số khu vực.

Theo phản ánh của người dân, hiện nay tình trạng khai thác đất, cát tại một số địa phương khá lộn xộn. Một số doanh nghiệp, đơn vị xây dựng đã móc nối với một số đối tượng, hộ dân để tổ chức khai thác, mua bán, vận chuyển tiêu thụ đất, cát san lấp trái phép. Thực tế, do nhu cầu thi công hiện nay đòi hỏi phải đảm bảo đẩy nhanh tiến độ, một số doanh nghiệp muốn giảm chi phí đầu tư cũng như các thủ tục cấp phép, đã lợi dụng khai thác ngoài phạm vi cho phép với khối lượng lớn làm thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường và trật tự an toàn xã hội. Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các địa phương và ngành chức năng triển khai công tác kiểm tra đột xuất theo phản ảnh của người dân. Qua đó đã lập biên bản xử lý, nghiêm các trường hợp vi phạm, nhưng tình hình khai thác trái phép vẫn hết sức lộn xộn. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay tại một số địa bàn có dấu hiệu khai thác trái phép, cần tăng cường công tác quản lý như khu vực phía Tây núi Chà Bang, khu vực núi đá Giăng, núi Gió và cầu Quán Thẻ 2, thuộc xã Phước Minh, huyện Thuận Nam; khu vực Bàu Zôn, nghĩa trang Chung Mỹ, Hòa Thạnh, Nam Cương, thuộc huyện Ninh Phước và khu vực núi Hòn Giồ (xã Nhơn Hải), khu vực hồ Thành Sơn (xã Xuân Hải) thuộc địa bàn huyện Ninh Hải và khu vực núi Ông Ngài, núi Bà Râu, núi Beo và núi Đất thuộc huyện Thuận Bắc.

 
Khai thác cát san lấp trái phép tại xã An Hải (Ninh Phước).

Qua tìm hiểu tại một số địa phương, được biết hiện nay huyện giao cho các xã quản lý theo dõi tình trạng khai thác đất, cát san lấp. Trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì lập biên bản, báo cáo UBND huyện xem xét xử lý. Tuy nhiên, xã không nắm được vị trí, khối lượng mà doanh nghiệp được cấp phép khai thác trên địa bàn nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Khi kiểm tra, doanh nghiệp biện nhiều lý do không xuất trình giấy phép cho lực lượng kiểm tra cấp xã. Trong khi đó, theo phân cấp quản lý, Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị thẩm định, cấp phép khai thác đất, cát san lấp, nhưng trách nhiệm giám sát, bảo vệ khoáng sản (được quy định tại khoản 2, Điều 18, Luật Khoáng sản năm 2010) lại thuộc về UBND các huyện.

Theo ông Bùi Anh Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Để kịp thời ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác trái phép hiện nay, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức kiểm tra; chú trọng bố trí lực lượng theo dõi, giám sát tại các khu vực khai thác để kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm. Mặt khác cần hướng dẫn, giới thiệu các tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác đất, cát san lấp phục vụ dự án đến các khu vực đã được quy hoạch khoáng sản làm vật liệu san lấp trên địa bàn huyện để xin thăm dò, khai thác theo quy định của pháp luật.

Nhằm chấn chỉnh công tác quản lý tài nguyên và khoáng sản; giải quyết nguồn vật liệu san lấp phục vụ xây dựng các công trình và QL1A, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo số 3976/UBND ngày 19-8, giao Chủ tịch UBND các huyện tăng cường công tác chỉ đạo và phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra các trường hợp khai thác trái phép kéo dài, gây ảnh hưởng đến môi trường tại địa bàn thuộc phạm vi quản lý. Bên cạnh đó, để tháo gỡ khó khăn về nhu cầu vật liệu san lấp thi công QL1A, UBND tỉnh cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, đôn đốc các đơn vị đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương hoặc đã cấp phép, khẩn trương đưa mỏ vào khai thác theo quy định, trường hợp vi phạm, không thực hiện đúng yêu cầu thì đề xuất thu hồi chủ trương theo quy định.

Với sự chỉ đạo quyết liệt, phát huy trách nhiệm quản lý của các địa phương và ngành chức năng, hi vọng rằng trong thời gian tới tình trạng khai thác đất, cát san lấp tại các địa phương sẽ được chấn chỉnh, quản lý chặt chẽ và có hiệu quả.