Tại Khu dân cư Phước Mỹ, mặc dù đã có quy hoạch khá bài bản, mật độ nhà ở ngày càng đông đúc, nhưng do không có tên đường nên người dân vẫn chỉ biết gọi tên đường theo ký hiệu của dự án như D1-D7 hay N6… Không có tên đường, nên hàng trăm hộ dân ở đây không có số nhà, khiến việc tìm địa chỉ, giao dịch liên quan trở nên bất tiện. Không ít người dân sống trong khu dân cư gặp nhiều khó khăn trong quá trình làm hồ sơ, giấy tờ hành chính hoặc lắp đặt hệ thống điện, nước…
Đường nhánh Võ Thị Sáu nối Ngô Gia Tự thuộc phường Kinh Dinh
đã hoàn thành từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa đặt tên.
Chủ quán tạp hóa Thảo Nhi ở cửa Đông-chợ Phước Mỹ cho biết: Gia đình đã chuyển về đây ở được 5 năm. Qua họp khu phố, người dân cũng kiến nghị nhiều nhưng từ đó đến nay vẫn không có tên đường, số nhà nên việc kinh doanh, làm các thủ tục hợp đồng, giấy tờ liên quan đến địa chỉ nhà gặp nhiều khó khăn, rắc rối. Người quen thì đỡ, chứ người lạ tìm tới dễ bị nhầm đường; xe hàng cũng có khi chuyển lộn địa chỉ.
Không chỉ ở phường Phước Mỹ, mà các hộ dân sống ở đường Võ Thị Sáu nối với đường Ngô Gia Tự thuộc phường Kinh Dinh hay đường từ phường Tấn Tài đi Xóm Láng thuộc phường Mỹ Bình cũng chịu cảnh tương tự do chưa có tên đường. Địa phương cũng đã kiến nghị từ nhiều năm nay nhưng UBND thành phố vẫn chưa thực hiện được.
Lý giải cho việc này, ông Nguyễn Xuân Hảo, Trưởng Phòng Quản lý đô thị Tp. Phan Rang-Tháp Chàm cho biết: Việc đặt tên đường phải thực hiện theo quy trình được quy định tại Nghị định 91/2005/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 36/2006 của Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Theo đó, UBND tỉnh có trách nhiệm thành lập Hội đồng tư vấn về đặt tên đường để nghiên cứu, xác lập ngân hàng tên đường; lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn, các tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và nhà khoa học. Sau đó công bố công khai dự kiến đặt tên đường để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến trước khi UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua tại các kỳ họp thường kỳ hàng năm. Thành phần Hội đồng tư vấn gồm đại diện các cơ quan quản lý: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, trong đó Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm cơ quan thường trực. Trong khi đó, hiện nay tại tỉnh ta vẫn chưa thành lập được Hội đồng tư vấn…
Được biết, mới đây UBND tỉnh đã ủy quyền cho UBND thành phố tổ chức đặt tên đường nhưng thành phố vẫn phải chờ Hội đồng tư vấn do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm cơ quan thường trực cho ý kiến để tổ chức thực hiện theo đúng quy định.
Thiết nghĩ, trong tiến trình xây dựng Tp.Phan Rang-Tháp Chàm trở thành đô thị loại II vào năm 2015, xây dựng thành phố xanh-sạch-đẹp, hướng đến văn minh hiện đại thì việc đặt tên đường, gắn số nhà tại các tuyến chưa "đặt tên" như đã nêu trên là việc cần sớm được thực hiện, tránh để kéo dài như hiện nay.
Ngũ Anh Tuấn