KỶ NIỆM 69 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2/9:

Tháng Tám về lại miền quê Phước Hữu anh hùng

(NTO) Mỗi độ vào tháng 8, có dịp trở lại xã Phước Hữu (Ninh Phước), vùng đất một thời sôi động phong trào đấu tranh cách mạng, chúng tôi không quên ghé địa điểm có cây sộp, nơi vào ngày 22-8-1945 đã diễn ra cuộc mít-tinh khởi nghĩa giành chính quyền với sự hưởng ứng rầm rộ của nhân dân các thôn La Chữ, Hậu Sanh, Mông Đức, Nhuận Đức.

Trải qua bao biến động lịch sử, cây sộp 200 năm tuổi vẫn còn đó trước sân đình làng, gợi lên biết bao ngưỡng vọng về những bậc tiền nhân. Tiếp bước cha ông, ngày nay người dân Phước Hữu đang phát huy vai trò chủ thể, dồn sức xây dựng nông thôn mới.

Phước Hữu trên đường xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Văn Miên

Là xã đông dân với trên 14.000 người, hầu hết sống về nghề nông, trong tổng diện tích tự nhiên 6.043 ha, Phước Hữu có 2.733 ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó có 1.550 ha diện tích đất lúa và còn lại là đất trồng màu. Từ sau ngày tái lập tỉnh, Phước Hữu đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Nhờ có nguồn nước của công trình thủy lợi hồ Tân Giang đưa về, nông dân trong xã đã chuyển từ đồng lúa sản xuất 1 vụ sang 2 vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả nên đời sống ngày càng được cải thiện. Đáng chú ý là gần đây, qua liên kết thực hiện sản xuất 50 ha lúa giữa Công ty Jimmy Hung Anh Food với HTX nông nghiệp Hữu Đức, đã giúp năng suất bình quân đạt 8 tấn/ha, nâng thu nhập cho hộ xã viên. Ngoài ra, Công ty còn hỗ trợ sửa chữa sân phơi HTX nông nghiệp Hữu Đức, phối hợp tổ chức sản xuất theo mô hình “1 phải 5 giảm” với diện tích 253 ha, góp phần kích thích nông dân ứng dụng kỹ thuật canh tác mới. Sự phát triển sản xuất nông nghiệp đã giúp kinh tế xã Phước Hữu tăng trưởng, tạo đà từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng thương mại dịch vụ. Đến nay, toàn xã có 159 hộ kinh doanh dịch vụ thương mại, chủ yếu trên các lĩnh vực: Cung ứng vật tư nông nông nghiệp, mua bán nông sản, chế biến xay xát lương thực, thức ăn gia súc dịch vụ phục vụ nông nghiệp (khâu làm đất, khâu thu hoạch) và buôn bán kinh doanh nhỏ. Theo lãnh đạo UBND xã Phước Hữu, thu nhập bình quân đầu người dân địa phương năm 2013 là khoảng gần 17 triệu đồng.

Về đây vào những ngày này, chúng tôi nhận ra sự đổi mới nhanh chóng bộ mặt nông thôn Phước Hữu. Ngoài những công trình điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt do nhà nước đầu tư trước kia, trong 6 tháng đầu năm nay Phước Hữu còn triển khai bê tông đường nội thôn La Chữ với chiều dài 400m (từ nguồn kinh phí vận động các tổ chức và cá nhân trong và ngoài địa phương); lắp mặt bằng đất cầu mới thôn La Chữ với giá trị 900 triệu đồng; bê-tông công trình mương Púi thôn Hậu Sanh có chiều dài 342m, với kinh phí trên 700 triệu đồng và nhiều công trình khác. Riêng đường nội đồng tại thôn Hữu Đức với chiều dài 1.600m vừa hoàn thành. Hiện nay Phước Hữu đã có 4.000 m đường nội thôn và trên 2.000 m đường nội đồng được bê-tông hóa; về hạ tầng thuỷ lợi, với tổng chiều dài 136,7 km kênh mương, Phước Hữu đã bê-tông gần nửa. Anh Hán Nghiệm, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Vấn đề nóng hiện nay là rác thải vệ sinh môi trường cũng đang được Phước Hữu tập trung giải quyết, xã đã quy hoạch bãi tập kết rác, đồng thời vận vận động các gia đình đào hố chôn rác, làm chuồng trại tránh thả rong heo nuôi”. Từ đầu năm đến nay, qua hợp đồng với HTX Thương mại sản xuất dịch vụ Thanh niên xã, các thôn đã thu gom 36 tấn rác về nơi quy định.

Nhìn tổng quan bức tranh phát triển của Phước Hữu, có thể thấy các thôn Mông Đức, Nhuận Đức đã có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh để xây dựng nông thôn mới; các thôn La Chữ, Hậu Sanh có lợi thế diện tích rộng nên cũng có điều kiện đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp theo mô hình nông thôn mới. Theo anh Hán Nghiệm, để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới, đặc biệt là triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phước Hữu đang tăng cường công tác xây dựng đội ngũ cán bộ xã. Nhìn cây sộp vẫn sừng sững, uy nghi trước sân đình như một “chứng nhân” lịch sử, tôi tin rằng thế hệ hôm nay ở Phước Hữu sẽ tiếp nối truyền thống đấu tranh của cha ông từ những ngày nổ ra Cách mạng Tháng Tám, quyết tâm vươn lên tạo ra những bứt phá mới trong xây dựng quê hương.