Dấu ấn sự kiện lịch sử trong nước ngày 23-8

* Sự kiện:

- Ngày 23-8-1945: Khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Huế. Nhận thức rõ tầm quan trọng của Huế trong tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, ngày 20-8-1945, Trung ương Đảng cùng Đảng bộ Thừa Thiên-Huế đã thành lập Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh do đồng chí Tố Hữu làm Chủ tịch. Đêm ngày 22-8-1945, hàng chục vạn nhân dân bao gồm cả nông dân ở các huyện đã kéo về thành phố. Rạng sáng ngày 23-8-1945, như kế hoạch đã định, lực lượng khởi nghĩa lần lượt thị uy chiếm các công sở của Chính phủ Nam triều. 16 giờ ngày 23-8-1945, tại sân vận động Huế, Ủy ban khởi nghĩa tiến vào lễ đài giữa tiếng hoan hô của hàng vạn nhân dân Thừa Thiên-Huế. Ðồng chí Tố Hữu đọc diễn văn nêu rõ tầm vóc, ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa, đồng thời giới thiệu Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh do ông Tôn Quang Phiệt làm Chủ tịch. Sau đó, Phái đoàn Trung ương do đồng chí Trần Huy Liệu làm trưởng đoàn đã vào Huế tiếp nhận sự thoái vị của Bảo Ðại. Đến ngày 30-8-1945, vua Bảo Đại chính thức thoái vị, sự kiện chấm dứt vĩnh viễn chế độ phong kiến quân chủ hàng ngàn năm trong lịch sử dân tộc nước ta.

- Ngày 23-8-1958: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường Đảng Lê Hồng Phong của Đảng bộ Hà Nội. Tại đây, phát biểu với cán bộ và học viên của trường, Người dạy: “Học tập lý luận cốt là để áp dụng thực tế. Học đi đôi với hành, có học mới làm được việc”.

- Ngày 23-8-1979: thành lập Bảo tàng lịch sử Hồ Chí Minh (đặt trong Thảo Cầm Viên của Thành phố Hồ Chí Minh). Với hai nghìn mét vuông diện tích trưng bày, bảo tàng gồm có các phòng chính. Phòng giới thiệu khái quát đất nước, con người Việt Nam- Phòng trưng bày các di vật, công cụ bằng đá.- Phòng nói về giai đoạn chống ngoại xâm qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước. Phòng dân tộc học bày một số hiện vật và hình ảnh về sinh hoạt vật chất và tinh thần của 54 dân tộc ở Việt Nam.- Phòng giới thiệu về Sài Gòn xưa, về các chuyên đề, các hiện vật như đồ gốm thời Lý, Trần (thế kỷ XI - XIV), đồ mỹ nghệ dân gian, di vật văn hoá Óc Eo, ...

- Ngày 23 và 24-8-2005: Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ VII, bầu Ban Chấp hành khóa VII gồm 10 ủy viên, do nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân làm Chủ tịch.

- Ngày 23-8-2007: tại Hà Nội, đại diện Bộ Tài chính và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc ký 3 Hiệp định vay vốn, với tổng trị giá 107 triệu USD cho các dự án: Dự án mở rộng Nhà máy nước Thiện Tân giai đoạn 2 Dự án xây dựng bệnh viện đa khoa tỉnh Thừa Thiên - Huế Dự án xây dựng tuyến giao thông hành lang ven biển phía Nam.

- Ngày 23-8-2009: tại ấp 3, xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) tổ chức khánh thành Nhà máy điện Nhơn Trạch 1. Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 có công suất 462,8 MW, sử dụng nhiên liệu chính là khí tự nhiên, nguồn khí cung cấp từ các mỏ thuộc bể Cửu Long và bể Nam Côn Sơn, nhiên liệu dự phòng là dầu DO. Hàng năm cung cấp cho lưới điện quốc gia từ 2,2 đến 2,5 tỷ kWh. Tổng mức đầu tư khoảng 6.500 tỷ đồng.

- Ngày 23-8-2009: Trao 2 kỷ lục Việt Nam: Trống đồng lớn nhất và Bảo tàng cổ vật tư nhân đầu tiên. Chiếc trống đồng lớn nhất Việt Nam cao 1,21m, có đường kính mặt trống 1,51m, nặng 739kg, được đúc bằng phương pháp thủ công theo phiên bản trống đồng Ngọc Lũ. Đây là chiếc trống do cơ sở đúc trống đồng của nghệ nhân Lê Văn Bảy ở làng Chè Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) thực hiện. Bảo tàng cổ vật Hoàng Long (Thanh Hóa) có diện tích 350 m2, hiện đã sưu tầm được khoảng 12 nghìn cổ vật, với đủ các chất liệu từ đồ đá, đất nung, đồ sứ,… trải dài qua các thời kỳ lịch sử trên phạm vi cả nước, trong đó có các bộ sưu tập tiêu biểu như: Bộ sưu tập rìu đá, bộ sưu tập đồ đồng văn hóa Đông Sơn, bộ sưu tập gốm sứ Chu Đậu, gốm hoa nâu,…

- 3 giờ 50 phút ngày 23-8-2011: Tổ máy số 3, công suất 400 MW của Nhà máy thuỷ điện Sơn La (tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, Sơn La) chính thức hoà điện lưới quốc gia an toàn, chuẩn xác, đảm bảo đáp ứng các thông số kỹ thuật. Dự án thuỷ điện Sơn La được khởi công xây dựng 2-12-2005, đến ngày 23-12-2012, công trình chính thức được khánh thành. Thủy điện Sơn La là công trình trọng điểm quốc gia, với 6 tổ máy (400MW/tổ máy), tổng công suất 2.400 MW. Ngày 26-9-2012, tổ máy số 6, tổ máy cuối cùng của nhà máy hòa lưới điện quốc gia. Hàng năm, Thủy điện Sơn La cung cấp sản lượng điện bình quân trên 14 tỷ kWh cho lưới điện quốc gia.

* Nhân vật:

- Ngày 23-8-1907: Ngày mất của danh nhân văn hóa Đào Tấn. Đào Tấn sinh năm 1845, quê ở Bình Định. Ông được coi là “ông tổ” của nghệ thuật tuồng Việt Nam. Cuộc đời ông có nhiều nét đặc biệt: 3 lần làm tổng đốc, 4 lần làm thượng thư, nhưng cuối cùng, ông là một trong những nghệ sĩ lớn nhất của Việt Nam thế kỷ XIX. Ông là người đầu tiên mở trường đào tạo nghệ nhân tuồng, đồng thời là một diễn viên xuất sắc, một đạo diễn tài năng và là nhà lý luận sân khấu đầu tiên của nước ta. Ông để lại hàng trăm pho kinh điển và mẫu mực cho sân khấu tuồng Việt Nam. Với những đóng góp lớn cho nghệ thuật tuồng dân tộc, Đào Tấn đã được Nhà nước tôn vinh là Danh nhân văn hóa, và một giải thưởng mang tên ông đã được thiết lập năm 1995 dành cho tập thể và cá nhân có đóng góp lớn cho văn học và nghệ thuật dân tộc.

- Ngày 23-8-1920: Ngày sinh của Giáo sư, Tiến sỹ Sinh học Đào Văn Tiến. Năm 1942, khi còn là sinh viên Đại học Đông Dương, ông cùng đồng nghiệp đã có công trình nghiên cứu về loài ba ba. Từ 1946 đến 1971, ông tham gia giảng dạy môn sinh vật học, góp phần đào tạo hàng ngàn sinh viên, hàng chục tiến sỹ chuyên ngành động vật cho nước nhà.Trong lĩnh vực nghiên cứu, ông đã hoạch định và chỉ đạo chương trình điều tra cơ bản khu hệ động vật, ký sinh trùng và côn trùng ở miền Bắc Việt Nam. Ông đã phát hiện và mô tả nhiều loài động vật mới cho khoa học như: Voọc Hà Tĩnh, Cu li nhỡ,… phân loại các nhóm động vật: ếch nhái, thằn lằn, rắn, rùa, cá sấu và chuột ở Việt Nam.Ông mất ngày 3-5-1995.Năm 1996, Giáo sư Đào Văn Tiến được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về Khoa học công nghệ.

Theo TTXVN