CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Gọi là…!

(NTO) Anh bạn tôi tuy đã già nửa cái tuổi “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”- nghĩa là đã tự chiêm nghiệm rất nhiều điều từ chính cuộc sống và vốn sống của mình- ấy vậy mà cứ vào dịp Trung thu lại rạo rực như ở lứa tuối mới lớn.

Quả thật, dù bây giờ thành ông nội, ông ngoại rồi nhưng dường như chưa năm nào tôi thấy anh “từ bỏ” thói quen tự tay làm những chiếc lồng đèn ông sao nhiều màu sắc cho các cháu chơi rằm Trung thu, mỗi đứa một cái, lớn nhỏ khác nhau tùy theo độ tuổi. - Tiện thể mình cũng vui theo các cháu và cũng là dịp để… “giữ hoài tuổi thơ” đó mà. Anh nói như thanh minh. Tôi cũng thuộc tuýp người “hoài cảm” nên cũng rất đồng tình với anh về việc này. Vì ở gần nhau nên nếu không đi công tác xa là tôi sang phụ anh chặt tre, chẻ nan… để làm khung, còn anh khéo tay hơn nên lãnh phần dán giấy, trang trí…cho lồng đèn có thêm màu sắc. Các cháu anh thấy ông làm cũng thích và tham gia tích cực lắm. Anh giảng giải cho chúng cụ thể, chi tiết cách làm đồng thời tập cho các cháu làm những chiếc lồng đèn đơn giản.

Các bậc cha mẹ mua sắm đèn lồng cho trẻ trong dịp Trung thu. Ảnh: Sơn Ngọc

Tuy không đẹp, sắc sảo nhưng các cháu rất thích vì dẫu sao đây cũng là sản phẩm “chính hãng” do các cháu làm ra. Có lẽ, cũng bằng cách dạy cháu từ những việc nhỏ như vậy mà đứa nào cũng ngoan đặc biệt là rất hiểu về cái khó, cái nhọc của lao động.

Anh lý giải:- Chỉ có thông qua việc làm như vậy thì mới hiểu được đầy đủ ý nghĩa của từ lao động, sâu xa hơn là sự cảm thông với bao nhọc nhằn của những người lao động để cung cấp từ cái ăn đến cái mặc và bao vật dụng thiết thực khác của con người. Từ thấu hiểu đến thấu cảm cũng xuất phát từ đây…

Hóa ra “triết lý” của anh bạn tôi trong việc rèn… chính mình và dạy con cháu là vậy. Ngẫm lại mới thấy thực trạng ở xã hội phát triển, bên cạnh bao điều hay thì cũng có không ít điều phải bàn. Ví như Tết Trung thu xưa gần như cả nhà chung tay từ tìm vật liệu đến cùng làm từng chiếc lồng đèn đủ kiểu: nào đèn con cá, con thỏ đến đèn kéo quân… tùy theo “tài năng” và sở thích mỗi người. Bánh Trung thu đâu cần phải mua mà do các mẹ, các chị tự tay làm cũng không kém phần đa dạng. Nay thì dường như chỉ còn trong ký ức những người lớn tuổi, bởi lẽ chỉ cần có tiền là mua đủ kiểu lồng đèn từ sơ đến cao cấp. Chơi xong là bỏ, không tốn thời gian, nhọc sức như ông bạn tôi. Cả bánh Trung thu cũng vậy, có điều kiện thì mua bánh “chất lượng cao”, không thì cũng có bánh “thường thường bậc trung” để gọi là vui Tết!. Có lẽ cũng vì thế mà trẻ thơ nay đâu hiểu đầy đủ sự tích “chú Cuội, chị Hằng Nga”, hơn thế nữa thú vui “tụm năm, tụm bảy” để so đèn ai làm đẹp hơn cũng không còn ngoài “sự” mua từ chiếc bánh Trung thu và lồng đèn để gọi là thiếu nhi vui tết!.