* Sự kiện
- Ngày 16-8-1935: Tại phiên họp thứ 40 Đại hội lần thứ 7 của Quốc tế cộng sản, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (lấy tên là Phan Lan) đã đọc tham luận nêu rõ phong trào đấu tranh và những thành tích của phụ nữ Đông Dương, sau đó đề cập đến vai trò phụ nữ trong cuộc đấu tranh hoà bình.
- Ngày 16-8-1945: Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào (Tuyên Quang). Đây là đại hội mang tầm vóc lịch sử của một quốc hội lâm thời, với sự tham gia của hơn 60 đại biểu đại diện cho nhân dân ba miền Trung, Nam, Bắc và kiều bào ta ở nước ngoài... Đại hội tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương và thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh. Đại hội cử ra Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức chính phủ lâm thời, do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch...Thắng lợi của Đại hội đã thể hiện sự sáng tạo độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc vận dụng và thực thi từng bước tư tưởng dân quyền, đặt cơ sở mang tính pháp lý đầu tiên cho một chế độ mới của dân, do dân và vì dân.
- Ngày 16-8-1951: Bác ra “Lời kêu gọi nhân dịp Cách mạng Tháng Tám và Ngày Độc lập”. Trong đó có đoạn “Lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân là một lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi. Nhờ lực lượng ấy mà tổ tiên ta đã đánh thắng quân Nguyên, quân Minh, đã giữ vững quyền tự do, tự chủ. Nhờ lực lượng ấy, mà chúng ta cách mạng thành công, giành được độc lập. Nhờ lực lượng ấy mà sức kháng chiến của ta càng ngày càng mạnh. Nhờ lực lượng ấy, mà quân và dân ta quyết chịu đựng muôn khó khăn thiếu thốn, đói khổ, tang tóc quyết một lòng đánh tan quân giặc cướp nước. Nhờ lực lượng ấy mà với tầm vông và súng hỏa mai ban đầu, chúng ta đã liên tiếp thắng địch... Nhờ lực lượng ấy mà chúng ta sẽ đuổi sạch thực dân Pháp ra khỏi đất nước ta, lấy lại độc lập và thống nhất thật sự…”.
- Ngày 16-8-1956: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nhà máy diêm Thống Nhất (Hà Nội). Người thăm nơi ở của công nhân, nhà trẻ và một số phân xưởng sản xuất. Nói chuyện với các công nhân, Bác nhắc nhở: “Anh chị em phải nhận rõ ngày nay công nhân đã làm chủ nhà máy, phải làm sao xứng đáng với địa vị đó, phải ra sức làm cho nhà máy phát triển.. Toàn thể anh chị em phải thực hiện đoàn kết dân chủ, chống quan liêu, tham ô lãng phí, thành khẩn phê bình, tự phê bình để giúp nhau tiến bộ.” “Các cán bộ, công nhân viên cùng phải gương mẫu về mọi mặt… để góp phần củng cố miền Bắc, chiếu cố miền Nam, thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.”
- Ngày 16-8-1965: Báo Nhân Dân đăng bài Bác trả lời phỏng vấn của nhà báo Pháp nổi tiếng Philippe Devilers về giải pháp chấm dứt cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, với thông điệp: “Chính phủ Mỹ phải chấm dứt ngay những cuộc tiến công bằng không quân vào lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam nước chúng tôi, rút quân đội và các loại vũ khí Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam. Đó là “hòa bình trong danh dự”, ngoài ra không còn con đường nào khác”.
- Ngày 16-8-2009: Khởi công xây dựng dự án Khu đô thị Đông Sài Gòn. Lễ khởi công tổ chức tại huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Khu đô thị Đông Sài Gòn được xây dựng tại trung tâm huyện Nhơn Trạch, trên diện tích 942 ha, nơi có các trục giao thông chiến lược của vùng đông Nam Bộ như: Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây cầu đường Quận 9 (Thành phố Hồ Chí Minh) - Nhơn Trạch đường cao tốc Biên Hòa - Bà Rịa - Vũng Tàu các đường 25B, 25C nối trung tâm đô thị mới Nhơn Trạch với sân bay quốc tế Long Thành. Tổng vốn đầu tư xây dựng khu đô thị là 6 tỷ USD.
* Nhân vật
- Ngày 16-8-1920: Ngày sinh của nhà nông học Lương Định Của. Lương Định Của sinh ngày 16-8-1920, tại xã Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, và mất ngày 28-12-1975, tại Hà Nội. Ông được đánh giá là một trong những chuyên gia nông nghiệp hàng đầu của Việt Nam và là một nhà khoa học có uy tín. Ông là người đi đầu trong lĩnh vực cải tạo giống cây trồng của Việt Nam và là “ông Tổ” của giống lúa Nông nghiệp 1, giống lúa lai tạo thành công đầu tiên tại Việt Nam. Ông cũng là người đã tạo ra giống dưa hấu tam bội thể đầu tiên, giống rau muống tứ bội có thân lá to dùng cho chăn nuôi, giống khoai lang năng suất cao... Lương Định Của đã được Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quí như: danh hiệu Anh hùng Lao động (1967) Huân chương Lao động hạng Nhất Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học-Kỹ thuật đợt 1 năm 1996.
- Ngày 16-8-1989: Ngày mất của đồng chí Lê Thanh Nghị. Lê Thanh Nghị tên thật là Nguyễn Khắc Xứng, sinh ngày 06-3-1911, tại Hải Dương. Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1928 và được kết nạp Đảng năm 1930. Đồng chí từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Uỷ viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước…Do có công lao to lớn, đồng chí được Nhà nước ban tặng Huân chương Sao vàng. Năm 2002, Nhà tưởng niệm đồng chí Lê Thanh Nghị cũng đã được xây dựng tại quê hương Thượng Cốc (Hải Dương).Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Thanh Nghị là tấm gương sáng về tinh thần cách mạng kiên trung ái quốc, sống và chiến đấu suốt đời cho lý tưởng cách mạng cao cả.
Theo TTXVN