Trẻ vị thành niên là giai đoạn chuyển biến nhanh chóng về tâm sinh lý. Khi suy nghĩ, nhận thức chưa chín chắn, lại bị những tác động tiêu cực của mặt trái xã hội dẫn đến trẻ rất dễ mắc phải những sai lầm trong cuộc sống, trong đó không ít những trường hợp vi phạm pháp luật. Tại các cơ quan công an, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi thấy những gương mặt học sinh non nớt, ngơ ngác khi đối diện với những hành vi vi phạm pháp luật.
Các em phạm tội trộm cắp khuôn đúc trên công trình cầu An Đông
tại cơ quan Công an Phường Đông Hải.
Khoảng 12h ngày 3-6-2014, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, Công an phường Đông Hải, Tp Phan Rang-Tháp Chàm phát hiện, bắt quả tang 6 đối tượng trộm cắp khuôn đúc - thiết bị phục vụ kiểm định chất lượng công trình cầu An Đông của Công ty Thương mại Hà Phan để bán phế liệu lấy tiền tiêu xài. 6 đối tượng này, nhỏ nhất mới 7 tuổi, lớn nhất cũng chỉ 16 tuổi. Khi bị bắt, nỗi lo sợ thể hiện rõ trên khuôn mặt của các em. Chắc chắn một điều là khi thực hiện hành vi trộm cắp, hầu hết các em đều chưa ý thức được hậu quả từ hành vi vi phạm pháp luật của mình.
Cũng cách đây không lâu, Hà Văn Tài (SN 1999, ngụ phường Mỹ Đông, Tp. Phan Rang- Tháp Chàm) ; Phan Văn Tân (SN 1998) và Võ Văn Tự (SN 1999), cùng ngụ phường Đông Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm rủ nhau đến Cảng cá Đông Hải cạy thùng chiếc ô-tô biển số 85T-0978, lấy cắp một thùng cá thu 70 ký, trị giá hơn 10 triệu đồng của chị Nguyễn Thị Hà (ngụ khu phố 8, phường Kinh Dinh, Tp. Phan Rang- Tháp Chàm).
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2014, trên địa bàn tỉnh xảy ra 46 vụ trẻ em vi phạm pháp luật, tăng 17 vụ so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng địa bàn Tp.Phan Rang-Tháp Chàm chiếm 21 vụ. Điển hình như vụ việc ngày 10-4-2014, Công an phường Phước Mỹ, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm bắt giữ Đường Lê Hồng Khoa (SN 2000, ngụ khu phố 5, phường Đô Vinh, Tp. Phan Rang- Tháp Chàm) đang trộm chiếc xe đạp Martin ở tiệm Internet Tường Vi, khu phố 3, phường Phước Mỹ. Khi bị bắt, Khoa khai nhận, từ ngày 4-10/4/2014 đã cùng với Trần Công Sơn (SN 1997), Lưu Văn Phúc (SN 1997) và Tô Tuấn Vũ (SN 2000), cùng ngụ ở phường Đô Vinh đã lấy trộm 3 chiếc xe đạp Martin trên các địa bàn các phường: Đô Vinh, Bảo An, Phước Mỹ.
Nghiêm trọng hơn, có những vụ việc gây “chấn động” xã hội mà thủ phạm là các em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Điển hình như vụ giết người ở phường Phủ Hà xảy ra ngày 16-2-2012, Lê Anh Nhựt, học sinh lớp 8, Trường THCS Lê Hồng Phong cùng hai người bạn đi chơi, thì gặp một nhóm học sinh đứng ở xa nhìn về phía mình. Cho rằng đó là cái “nhìn đểu”, nên Nhựt và hai người bạn đã quay xe đuổi theo và Nhựt đã dùng đá ném vào đầu em Vương Văn Linh (SN 1998), khiến Linh tử vong trên đường đi cấp cứu.
Có nhiều lý do khiến trẻ vị thành niên phạm pháp. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng trước hết là sự tác động từ môi trường giáo dục của gia đình. Trường hợp Lê Anh Nhựt là một ví dụ. Sống trong gia cảnh gặp nhiều bất hạnh, người mẹ bỏ trốn do vỡ nợ. Tuy đang trong tuổi đến trường, nhưng tính côn đồ đã sớm thể hiện qua tính cách của em, gây nên sai lầm đáng tiếc, để lại nỗi đau, sự xót xa cho bao người.
Cùng với sự phát triển của xã hội, trẻ em vị thành niên rất dễ sa ngã. Khi vướng vào pháp luật, các em mới nhận ra lỗi lầm của mình thì đã quá muộn. Thiết nghĩ, gia đình và nhà trường cần có giải pháp quản lý chặt chẽ, kịp thời định hướng cho các em về lối sống lành mạnh, tránh xa những tiêu cực của xã hội, giúp các em biết nhận thức tốt-xấu. Để làm được điều đó, trước hết các phụ huynh cần quan tâm giáo dục con em mình.
Như Tuyết