Thực ra thời gian đầu hôn nhân đôi uyên ương sống rất sức hạnh phúc, chuyện “hai con dê qua cầu” xảy ra khi họ có cháu gái khá xinh xắn bước vào tuổi học trò. Đồng lương của đôi vợ chồng trẻ không đủ cho cuộc sống hàng ngày lại phải lo thêm tiền con học nhạc, ngoại ngữ, học luyện chương trình nâng cao…ngân quỹ gia đình thường rơi vào tình trạng “mượn trước, trả sau”. Cũng may họ có ông bà nội, ngoại hỗ trợ thêm nên cuộc sống cũng không quá khó khăn. Vậy mà, cứ khoảng tháng một lần kịch bản “hai con dê qua cầu” lại được vợ chồng họ đem ra tập dượt cứ như mình là nghệ sĩ thực thụ. Chuyện là gì chẳng ai biết, chỉ biết sóng gió nổi lên là cô vợ đem con đi “sơ tán” bên bà ngoại, còn anh chồng thì tắc lưỡi “khắc đi, khắc về”. Sau ít ngày thời tiết trở lại bình thường, họ lại về sống bên nhau như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Cô vợ trách yêu chồng: “Cha gì mà chẳng đoái hoài đến con cái, coi chừng có ngày mất cả chì lẫn chài đấy”, còn anh chồng thì vô tư nói với vợ: “Đầu tư trong nước, ngoài nước làm gì kẻo rồi mắc bẫy, đầu tư TRONG NHÀ là an toàn nhất, hiệu quả nhất”.
Có một lần, khoảng quá nửa đêm, hàng xóm nghe thấy bên nhà họ những tiếng rầm, xẻng…và ngày hôm họ thuê xe bagat chở đi vài bao tải rác. Mấy đứa nhỏ trong khu phố hỏi bé gái con họ thì được biết: Ba nó tiếp khách khuya mới về, mẹ nó liền “phát”: “Tiền nuôi con không có nhưng nuôi mấy con “mỏ đỏ” thì không thiếu…” còn bố nó thì “lại điệp khúc tiền, biết thế này thì…” và lời qua tiếng lại rồi họ thi nhau đập ti vi, quạt điện…chuyện nhỏ “tích” dần để rồi đêm đó thành “bão”. Ngay ngày sau đó, cả hai tuyên bố với cha mẹ đôi bên rằng trở về thời tiền “hôn nhân”, trao cho nhau quyền tự do. Lo quá, cha mẹ hai bên quyết định triệu tập vợ chồng đến để nghe cụ thể sự tình. Cô vợ vẫn còn bực chuyện đêm trước, lên tiếng: Chồng gì mà vợ “dạy” chẳng chịu nghe bao giờ. Anh chồng thì thanh minh: Vợ gì mà lúc nào cũng cho là mình đúng, lại còn dùng chiêu “người tỉnh chơi người say” sao coi được. Vậy ra thủ phạm chỉ là chuyện “ai cũng đúng” và “kẻ nói chẳng có người nghe”, thế rồi ông bà đưa ra kết luận: Cũng là lỗi tại cha mẹ vì ngày xưa không dạy các con chuyện “hai con dê qua cầu”…! Chỉ đơn giản vậy mà vợ chồng họ vốn là những người giỏi giang lẽ nào không hiểu và cư xử với nhau đúng mực. Kể từ sau lần đó, trong khu phố tôi các bà, các chị lâu lâu mới nhắc lại chuyện “hai con dê qua cầu” để nhắc nhở, răn dạy con cháu và những cặp uyên ương mới kết hôn.
Từ nhà ra ngoài ngõ, không chỉ trong mỗi gia đỉnh, ở cơ quan hay trong các quan hệ xã hội, rất cần mỗi cá nhân có sự tôn trọng lẫn nhau, nhường nhịn nhau để con người yêu thương nhau hơn, xã hội tốt đẹp hơn và “Hai con dê qua cầu” chỉ là chuyện ngụ ngôn giúp chúng ta xả trét trong cuộc sống hiện đại.
Mỹ Hạnh