Phó Thủ tướng gặp các đối tác Nhật Bản, Australia

Chiều 10/8, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 47, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Nhật Bản lần thứ 7 và đã có cuộc tiếp xúc với Bộ trưởng Ngoại giao Australia bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Australia.

Tăng cường các đề xuất dự án mang dấu ấn hợp tác Mekong-Nhật Bản

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Nhật Bản lần thứ 7 được tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Ngoại giao các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.

Hội nghị đã thảo luận tình hình triển khai Kế hoạch hành động Mekong-Nhật Bản nhằm hiện thực hóa Chiến lược Tokyo 2012 và phương hướng thúc đẩy hợp tác trên cả ba trụ cột về kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển, đồng hành phát triển bền vững, và bảo vệ môi trường và an sinh xã hội.

Các Bộ trưởng đánh giá cao sự trợ giúp hiệu quả của Nhật Bản đối với khu vực Mekong trong phát triển hạ tầng cơ sở, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, bảo vệ môi trường và đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời khẳng định thúc đẩy triển khai các biện pháp cụ thể trong Chiến lược Tokyo 2012 và Kế hoạch Hành động Thập kỷ Mekong xanh về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý bền vững nguồn nước sông Mekong. Tuyên bố chung của Hội nghị ghi nhận nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và Lào trong việc sớm triển khai mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo-Densavan trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC).

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam tiếp tục cùng với Nhật Bản và các nước Mekong nỗ lực triển khai thành công Chiến lược Tokyo 2012, đồng thời bày tỏ mong muốn tăng cường các đề xuất dự án liên quốc gia, mang dấu ấn hợp tác Mekong-Nhật Bản.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của tiểu vùng Mekong trong liên kết và hội nhập kinh tế, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề xuất nghiên cứu việc mở rộng kết nối các hành lang kinh tế hiện có của tiểu vùng với các vùng miền và khu vực khác tại châu Á thông qua mô hình vận tải đa phương thức.

Hội nghị đánh giá cao và ghi nhận vào Tuyên bố Chủ tịch đề xuất của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh về việc thúc đẩy kết nối và hợp tác kinh doanh giữa địa phương và doanh nghiệp của các nước Mekong với Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch, trong đó có hợp tác giữa Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam với các địa phương và doanh nghiệp Nhật Bản.

Các Bộ trưởng nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Mekong-Nhật Bản lần thứ tám tại Malaysia bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Malaysia trong năm 2015.

Việt Nam sẵn sàng tham gia “Kế hoạch Colombo mới” của Australia

Cũng trong ngày 10/8, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Australia, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã có cuộc tiếp xúc với Bộ trưởng Ngoại giao Australia, bà Julie Bishop.

Hai bên đã trao đổi các biện pháp nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là đoàn cấp cao; tiếp tục thúc đẩy các cơ chế hợp tác song phương hiện có, trong đó có việc tiến hành Đối thoại Chiến lược Ngoại giao-Quốc phòng cấp Thứ trưởng trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam ủng hộ “Kế hoạch Colombo mới” của Australia và thông báo Việt Nam sẵn sàng tham gia chương trình này.

Bà Bộ trưởng bày tỏ cảm ơn sự ủng hộ của Việt Nam đối với sáng kiến và nỗ lực của Australia nhằm tăng cường hợp tác với Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Ngày 10/12/2013, Chính phủ Australia đã chính thức triển khai “Kế hoạch Colombo mới”. Theo đó, sẽ gửi hàng nghìn sinh viên tới một số nước trong khu vực Ấn Độ Dương, châu Á-Thái Bình Dương để học tập, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ và hữu nghị mang tính chiến lược.

Chính phủ Australia cam kết khoản ngân sách trị giá 100 triệu AUD trong vòng 5 năm để thực hiện “Kế hoạch Colombo mới”.

Chính phủ Australia hy vọng các sinh viên du học theo Kế hoạch Colombo mới sẽ trở về nước với nhiều kinh nghiệm liên quan tới châu Á, giúp đẩy mạnh sản xuất và sáng tạo cho nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu chuyển dịch kinh tế mạnh mẽ trong khu vực.

Từ năm 1952-1985, Kế hoạch Colombo từng là một sáng kiến trong khu vực tập trung vào tăng năng lực trong lĩnh vực giáo dục và kỹ thuật, hỗ trợ khoảng 20.000 sinh viên châu Á du học tại Australia.

Nguồn www.chinhphu.vn