Đừng làm theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”!

(NTO) Xây dựng địa phương “sạch, đẹp, văn minh” vừa là mục tiêu, vừa là động lực cần vươn tới của hầu hết các xã, phường trong tỉnh, bởi lẽ đây là “bộ mặt” để đánh giá sự phát triển cả về kinh tế và văn hóa - xã hội. Tuy nhiên, để chuyển từ mục tiêu thành hiện thực không đơn giản chút nào, mặc dù trong định hướng hàng năm và từng giai đoạn... đều được đề cập thậm chí là rất cụ thể đến từng con số cây xanh phải trồng, giải pháp vệ sinh môi trường, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở...

Có dịp đi đến một số địa phương, công bằng mà nói sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân là thấy rõ, đó là đường làng, ngõ xóm chỉ cách vài năm trước đây thôi đa phần là đường đất lởm chởm ổ gà, ổ voi... nay thì được bê tông hóa sạch sẽ, quy củ. Đây cũng chính là “chìa khóa” để “mở” cánh cửa nội lực trong nhân dân đầu tư sửa chữa, xây dựng nhà cửa khang trang, góp phần làm tôn lên vẻ văn minh, hiện đại của xóm làng đổi mới…

Tân Sơn (Ninh Sơn) đầu tư xây dựng thị trấn xanh- sạch- đẹp. Ảnh: Sơn Ngọc

 Cảm nhận chung: địa phương nào quyết tâm thực hiện thì sẽ mang đến kết quả cao và tạo được đồng thuận trong nhân dân. Đơn cử như Tân Sơn- thị trấn trung tâm huyện Ninh Sơn- nay đã khác xa “một trời một vực” với những năm trước đây. Riêng việc treo cờ Tổ quốc ngăn nắp, thẳng hàng dọc quốc lộ trên địa bàn thị trấn trong những ngày lễ trọng cũng là bài học của sự quyết tâm với cách làm sáng tạo và đồng tình của nhân dân. Chỉ tiếc là nếu được nhân rộng “quyết tâm” này ra toàn huyện thì mục tiêu “sạch, đẹp” của huyện sẽ sớm đạt được trong tương lai gần...

Cùng với các địa phương trong tỉnh, Phan Rang-Tháp Chàm đã và đang nỗ lực đạt đến đô thị loại II trong năm 2015. Thế nhưng, điều dễ nhận ra là ngoài những trục đường trung tâm, một số tuyến phố chính được quan tâm đầu tư và được địa phương chú trọng thực hiện “xanh, sạch”, còn lại “mặt hậu” cũng lắm điều phải bàn. Nổi lên nhất là vệ sinh môi trường chưa được các phường quyết tâm thực hiện. Rác thải gần như đi đâu cũng gặp, đặc biệt là thói quen ném rác thẳng xuống kênh mương, dọc đường đi, các khu quy hoạch dân cư nhưng chưa “khởi động”... Cây xanh trồng nhưng lại không có “chủ” cụ thể nên còi cọc, chậm phát triển, thậm chí là “lớn không nổi” bởi nhiều lý do... Điều cũng đáng nói là khu giáp ranh giữa các phường luôn có sự “đùn đẩy” cả về an ninh trật tự lẫn môi trường.

Vấn đề đặt ra là làm gì để đạt được “xanh, sạch, đẹp” như tinh thần Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy và Quyết định 55/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh về ban hành Đề án “Chung tay xây dựng Ninh Thuận xanh-sạch-đẹp”?. Một số người “hiến kế”: Một là, chính quyền cơ sở cần thành lập đội môi trường (trong đó có sự tham gia của người dân từng thôn, khu phố) thường xuyên kiểm tra để “bắt tận tay” những người thiếu ý thức vứt rác, phá cây xanh để xử lý bằng biện pháp buộc phải dọn vệ sinh; trồng và chăm sóc cây đã phá. Hai là, hàng tuần hoặc hàng tháng vận động các gia đình tham gia làm sạch vệ sinh môi trường, chăm sóc cây xanh đã trồng. Điều này vừa nâng cao ý thức, vừa đề cao vai trò giám sát của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường. Ba là, thường xuyên vận động, tuyên truyền về Đề án của tỉnh, chủ trương của địa phương trong việc chung tay, góp sức xây dựng môi trường sống “xanh, sạch” trước hết là chính người dân thụ hưởng. Một khi người dân đã “biết” thì việc “dân làm” không còn là điều khó...

Suy cho cùng mọi sự thành hay bại đều do quyết tâm mà ra. “Ngọn lửa” quyết tâm này đầu tiên phải là từ lãnh đạo địa phương sau đó mới có thể lan tỏa đến người dân và cần phải xem đây là thước đo năng lực lãnh đạo, thực hiện của cán bộ. Thành ngữ có câu “đánh trống bỏ dùi” là để chỉ cách làm thiếu trách nhiệm, nói không đi đôi với làm. Mong rằng đây sẽ là vấn đề cần suy ngẫm của lãnh đạo các địa phương khi triển khai thực hiện các chính sách của tỉnh cũng như địa phương mình.