Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao Huân chương Lao động hạng Ba
cho em Ngô Phi Long, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận chúc mừng em Phi Long
đã đạt thành tích cao trong kỳ thi Olympic Vật lý châu Á và Olympic Vật lý quốc tế
(Tháng 10/2013. Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Truyền thống "vàng"
Công tác thi chọn HSG quốc gia có lịch sử từ năm 1962, bắt đầu từ kỳ thi chọn HSG Toán và Văn lớp 10 (hệ phổ thông 10 năm) toàn miền Bắc. Kỳ thi này được triển khai trên phạm vi toàn quốc và liên tục mở rộng đến nay với việc tăng số môn thi tới 12 môn: Toán, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc.
Trong các năm tham dự Olympic quốc tế và khu vực, các đoàn học sinh Việt Nam đều chấp hành đúng các nội quy Olympic, thể hiện rõ ý chí vươn lên, hoàn thành về cơ bản mục tiêu đề ra.
Năm 2012, lần đầu tiên trong lịch sử dự thi Olympic khu vực và quốc tế các môn văn hóa dành cho học sinh THPT, cả 31 học sinh của tất cả các đội tuyển, gồm Olympic Vật lí Châu Á, Olympic quốc tế các môn Toán học, Vật lí, Hóa học, Sinh học và Tin học đều đoạt huy chương, trong đó có 5 Huy chương Vàng; 15 Huy chương Bạc, 11 Huy chương Đồng. Đây là lần đầu tiên một nhóm 3 học sinh đoạt giải nhất Hội thi nghiên cứu khoa học - kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF).
Đặc biệt, đội tuyển quốc gia của Việt Nam dự thi Olympic Toán học quốc tế, sau 4 năm cũng là sau 4 kỳ gián đoạn, đã trở lại tốp 10 đội tuyển quốc gia có thành tích cao nhất trong tổng số 95 đội tuyển tham gia kỳ thi.
Bên cạnh đó, các đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế môn Vật lí, Hóa học, Sinh học và Tin học đều có tiến bộ rõ rệt cả về số lượng cũng như chất lượng giải đạt được và xếp thứ hạng cao trong tương quan chung với các đội tuyển của các quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự.
Năm 2013, tham dự kỳ thi Olympic Vật lí Châu Á, cả 8/8 học sinh dự thi đoạt giải, trong đó có 2 Huy chương Vàng; 2 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng và 3 Bằng khen. Bên cạnh đó, đội tuyển quốc gia Việt Nam lần đầu tiên dự thi Olympic Tin học Châu Á theo hình thức thi trực tuyến đã đạt kết quả rất đáng khích lệ.
Cả 5 học sinh có điểm cao nhất được chọn tham gia xét giải theo quy định đều đoạt Huy chương; gồm: 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 3 Huy chương Đồng.
Đoàn Việt Nam là 1 trong số 5 đoàn có học sinh đoạt Huy chương Vàng và đứng thứ 4 toàn đoàn trong tổng số 21 nước tham gia với trên 500 thí sinh dự thi. Đây là thành tích cao đối với quốc gia lần đầu tiên tham dự Olympic Tin học Châu Á.
Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp, tất cả 23/23 học sinh của 5 đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế đều đoạt huy chương, gồm 6 Huy chương Vàng, 9 Huy chương Bạc và 8 Huy chương Đồng.
Đặc biệt, đội tuyển Olympic Toán học đã tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, từ xếp thứ 9 toàn đoàn trong tốp 10 năm 2012 lên xếp thứ 7 trong tốp 10 đội có thành tích cao nhất thế giới năm 2013, đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi thư khen ngợi.
Trong số học sinh đoạt giải, có 2 học sinh giành Huy chương Vàng ở cả hai Olympic khu vực và quốc tế. Đó là Em Ngô Phi Long, học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Sơn La và em Bùi Quang Tú, học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam với Huy chương Vàng Olympic Vật lí Châu Á và Huy chương Vàng Olympic Vật lí quốc tế. Riêng em Ngô Phi Long, trong 2 năm liền đã giành 5 Huy chương tại các kỳ thi Vật lí quốc tế với 3 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc.
Tham gia Hội thi nghiên cứu khoa học – kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF) năm 2013 tại Phoenix (bang Arizona, Mỹ) với gần 70 đoàn đến từ khắp năm châu, đoàn Việt Nam có 5 dự án dự thi. Kết quả có 2 dự án được trao giải Tư thuộc lĩnh vực "Điện và Cơ khí" và lĩnh vực "Vật liệu và Công nghệ Sinh học" (chiếm tỉ lệ 40%, trong khi tỉ lệ đạt giải của toàn Hội thi là 25%).
Dưới sự chỉ dạo sâu sát của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT cùng các Bộ, Ngành, địa phương hữu quan đã phối hợp tổ chức thành công các Olympic quốc tế tại Việt Nam: Toán học quốc tế lần thứ 48 (IMO 2007), Olympic Vật lí quốc tế lần thứ 39 (IPhO 2008) và Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 46 (IChO 2014) đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế, được dư luận trong nước và thế giới đánh giá cao.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa trao bằng khen cho những
học sinh đoạt giải cao kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế 2014
Những đổi mới trong công tác tổ chức thi chọn HSG quốc gia, quốc tế
Quán triệt yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện, giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ Tám, Ban chấp hành Trung ương khóa XI, công tác tổ chức thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế từ năm 2012 tiếp tục được triển khai với nhiều đổi mới.
Đó là: Bổ sung chính sách tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng đối với các học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia; điều chỉnh công tác tuyển chọn vào các đội tuyển Olympic quốc tế, nhất là đối với các môn Tin học và Vật lý; điều chỉnh, bổ sung nội dung và thời gian thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thi chọn đội tuyển, tăng thời gian tập huấn đội tuyển quốc gia, nâng cao chất lượng tập huấn đội tuyển;
Cùng đó, giao việc chủ trì tập huấn đội tuyển cho các đơn vị có điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất và khả năng tập hợp đội ngũ chuyên gia tham gia tập huấn, triển khai thi nói đối với môn Ngoại ngữ và thi thực hành đối với các môn thực nghiệm Vật lí, Hóa học, Sinh học trong kỳ thi chọn HSG cấp quốc gia.
Những đổi mới này đã nâng cao chất lượng các đội tuyển dự thi, góp phần quan trọng làm nên những thành tích nổi bật trong năm 2014, in đậm dấu ấn Việt Nam trên đấu trường trí tuệ của học sinh giỏi quốc tế.
Kết quả tham dự Olympic khu vực và quốc tế không những giữ vững được của những năm trước mà còn đạt kết quả cao nhất từ kể từ trước đến nay.
Kết quả các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2014
Học sinh giỏi Việt Nam “hái vàng, gặt bạc” năm 2014
Tham dự Olympic Tin học châu Á theo hình thức thi trực tuyến, đội tuyển quốc gia Việt Nam gồm 15 học sinh tham gia. Kết quả, cả 6/6 thí sinh được tham gia xét giải theo quy định của Ban Tổ chức Olympic đều đoạt Huy chương Bạc, tiếp tục duy trì thành tích của năm đầu tham dự và có sự tăng tiến đáng kể, tăng thêm 1 huy chương so với năm 2013 và đứng thứ 7 toàn đoàn trong 29 nước tham gia.
8 học sinh tham dự Olympic Vật lý châu Á đều đoạt giải
Tham dự Olympic Vật lí châu Á: Cả 8 học sinh đội tuyển quốc gia dự thi đều đoạt giải, gồm: 1 Huy chương Vàng; 4 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng và 1 Bằng khen; không những giữ vững thành tích của các năm 2012, 2013 mà còn có những tiến bộ đáng kể.
Nếu xếp hạng theo tổng số huy chương thì năm nay Việt Nam xếp thứ 4 trên tổng số 27 nước tham gia. Đây là thành tích cao nhất của các lần tham dự Olympic Vật lí Châu Á của nước ta (Năm 2013 Việt Nam đoạt 2 Huy chương Vàng; 1 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng và 3 Bằng khen; nhưng xếp hạng theo tổng số Huy chương chỉ đứng thứ 10);
Đối với thành tích cá nhân: Điểm thi của học sinh đoạt Huy chương Vàng năm nay (em Cao Ngọc Thái - Học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu Nghệ An, đạt 43,75 điểm) - xếp thứ 4 theo tổng số điểm từ cao xuống thấp của kỳ thi, kém học sinh được điểm cao nhất kỳ thi 1,75 điểm.
Đây là thứ hạng cá nhân cao nhất của đoàn Việt Nam từ trước đến nay (năm 2013, thứ tự xếp theo điểm của 2 học sinh Việt Nam đoạt Huy chương Vàng là 13 và 23).
Em Đào Phương Khôi - Học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) - đứng đầu danh sách thí sinh đoạt Huy chương Bạc, chỉ kém thí sinh đoạt Huy chương Vàng 0,3 điểm.
Tham dự Olympic Tiếng Nga quốc tế: Sau 10 năm gián đoạn, đoàn học sinh Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao với 5/5 học sinh đoạt huy chương: Gồm 3 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc.
Đặc biệt, em Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, tỉnh Nam Định - vừa đoạt Huy chương Vàng vừa đoạt Huy chương Vàng đồng thời đoạt thêm 2 giải nhất: Giải nhất về nhà Hùng biện trẻ và giải nhất phần thi đọc hiểu;
Em Nghiêm Bá Trí - Học sinh lớp 11 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam - đoạt Huy chương Vàng, đồng thời đoạt giải nhất nhà đọc thơ trẻ.
Đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế 2014
Tham dự Olympic Sinh học quốc tế lần thứ 25: 4/4 học sinh đội tuyển Việt Nam đều đoạt Huy chương, gồm: 1 Huy chương Bạc và 3 Huy chương Đồng (năm 2013 đoàn Việt Nam đoạt 04 Huy chương Đồng).
Đặc biệt em Lê Thị Nguyệt Hằng - Học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (thành phố Đà Nẵng)- đoạt Huy chương Bạc, em Phạm Minh Đức - Học sinh lớp 11 Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (tỉnh Nam Định) đoạt Huy chương Đồng ngay sát với em đoạt Huy chương Bạc.
Tham dự Olympic Toán học quốc tế: 6/6 học sinh đội tuyển Việt Nam đoạt huy chương, gồm: 3 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng.
Với thành tích này đội tuyển Olympic Toán học quốc gia năm nay tiếp tục đướng trong tốp 10 trên tổng số 104 đoàn tham dự kỳ thi, khẳng định với bạn bè thế giới về khả năng học tập Toán học và trí tuệ của người Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
Tham dự Olympic Tin học quốc tế lần thứ 26: Đội tuyển Việt Nam có 4/4 học sinh đoạt Huy chương; trong đó, có 2 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng, tiếp tục duy trì ổn định thành tích của năm 2013 (2 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng).
Tham dự Olympic Vật lí quốc tế: Đội tuyển Việt Nam có 5/5 học sinh đoạt giải, gồm 3 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc; Với thành tích này, đoàn Việt Nam lọt vào tốp 5 đoàn có kết quả cao nhất trên tổng số 84 nước tham dự Olympic Vật lí quốc tế năm 2014 (sau Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và Thái Lan).
Đây cũng là thành tích cao nhất của học sinh Việt Nam tại các kỳ khi Olympic Vật lí quốc tế từ trước đến nay. Em Cao Ngọc Thái Huy chương Vàng, điểm cao thứ Ba từ trên xuống, em Đỗ Thị Huệ - Học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG HN) là nữ sinh có thành thích tốt nhất tại Olympic Vật lí quốc tế, được Hội Vật lí châu Á tặng thưởng danh hiệu nữ sinh có thành tích cao nhất châu Á.
Đoàn HS Việt Nam xuất sắc giành 2 Huy chương Vàng và 2 Huy chương Bạc
trong cuộc thi Olympic Hóa học quốc tế 2014 tổ chức tại Việt Nam
Tham dự Olympic Hóa học quốc tế: Đội tuyển Việt Nam có 4 thí sinh tham dự và đều đạt kết quả cao (2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc), lọt vào tốp 5 của cuộc thi. Em Phạm Mai Phương Huy chương Vàng, điểm cao thứ Ba từ trên xuống. Đây là thành tích cao nhất từ trước đến nay.
Kết quả tham dự Olympic khu vực và quốc tế năm 2014 không những giữ vững được tỷ lệ 100% thí sinh đoạt giải của hai năm gần đây mà còn có sự tiến bộ vượt bậc về số lượng và chất lượng huy chương.
Tính chung các đoàn, năm 2014 này có đến 12 Huy chương Vàng (đạt 28,57% trong tổng số 42 thí sinh dự thi; năm 2013 tỷ lệ này là 25%); có 21 Huy chương Bạc (đạt 50% trong tổng số 42 thí sinh dự thi; năm 2013 tỷ lệ này là 33,33%).
Theo đó, tổng số học sinh đoạt Huy chương Vàng và Bạc là 33/42 chiếm 78,57% (năm 2013 tỷ lệ này là 21/36 chiếm 58,33%). So sánh trong tương quan kết quả Olympic quốc tế và khu vực thì năm 2014 đạt kết quả cao nhất từ kể từ trước đến nay.
Hòa chung với niềm vui đón mừng kết quả cao của các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực năm 2014 là sự phấn chấn đầy hứng khởi trước thành công của Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 46 (IChO 2014) tại Việt Nam.
Tiếp nối thành công của Olympic Toán học quốc tế lần thứ 48 năm 2007 và Olympic Vật lí quốc tế lần thứ 39 năm 2008, năm 2014 Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 46 diễn ra từ 20 - 28/7/2014 với 77 nước và vùng lãnh thổ tham gia.
Dưới sự chỉ đạo sâu sát của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT cùng các bộ ngành, địa phương liên quan đã tập trung chỉ đạo, hỗ trợ mọi điều kiện để Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức thành công kỳ thi Olympic quốc tế Hóa học tại Việt Nam, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế, mang lại niềm tin tưởng, sự quý mến của cộng đồng Hóa học và bạn bè quốc tế đối với đất nước, con người Việt Nam.
Kết quả Olympic khu vực và quốc tế năm 2014 đã góp phần thiết thực thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW Hội nghị Trung ương Tám, BCH Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tạo tiền đề quan trọng trong việc triển khai thực hiện chương trình hành động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.
Thống kê kết quả các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế từ năm 2005 – 2014
6 yếu tố làm nên thành tích công tác dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2014
Có nhiều nguyên nhân tác động để làm nên thành tích đáng tự hào của công tác dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2014. Song về cơ bản có thể kể đến các yếu tố sau đây:
Thứ nhất, đây là thành quả của một chính sách đúng, chiến lược phù hợp của Bộ GD&ĐT trong nhiều năm qua, sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của lãnh đạo Bộ GD&ĐT đối với công tác này.
Trên cơ sở đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục đại trà để tạo điều kiện làm tốt chất lượng mũi nhọn, Bộ GD&ĐT tiếp tục duy trì, bổ sung chính sách tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng đối với các học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia và ưu tiên cử đi đào tạo đại học ở nước ngoài bằng học bổng do Nhà nước cấp hoặc do nước ngoài tài trợ theo Hiệp định ký kết với Nhà nước Việt Nam cho các học sinh đoạt giải Olympic khu vực và quốc tế, tạo động lực phấn đấu vươn lên đạt thành tích cao của học sinh và các nhà trường.
Thứ hai, những đổi mới căn bản đồng bộ trong công tác tổ chức thi chọn học sinh giỏi quốc gia và tập huấn các đội tuyển của Bộ GD&ĐT. Cụ thể là:
- Tổ chức sớm kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia để tăng thời gian tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực; có kế hoạch, chương trình tập huấn cụ thể ở các môn, trong quá trình tập huấn có ít nhất 4 bài kiểm tra để nắm tình hình học tập và phấn đấu của học sinh;
- Là năm đầu tiên kết hợp điểm trong kỳ thi chọn đội tuyển Olympic và kết quả thi Olympic Vật lí Châu Á và Olympic Tin học Châu Á để xét chọn các học sinh vào đội tuyển Olympic Vật lí và Tin học quốc tế;
- Tiếp cận dần với hình thức thi của khu vực và quốc tế; như kỳ thi chọn đội tuyển Olympic đối với môn Tin học triển khai áp dụng thi, chấm trực tiếp như hình thức tổ chức thi của quốc tế;
- Tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác coi thi, chấm thi các vòng chọn HSG đảm bảo khách quan, trung thực, đánh giá đúng trình độ học sinh tạo điều kiện để chọn được những học sinh giỏi nhất tham dự các đoàn HSG khu vực và quốc tế.
Thứ ba, những nỗ lực, cố gắng vượt bậc, đặc biệt là niềm đam mê khoa học và sự sáng tạo trong học tập, rèn luyện của các em học sinh trong các đội tuyển quốc gia; công lao của các nhà trường THPT nơi các em được học tập và rèn luyện.
Thứ tư, công lao to lớn, sự tận tụy của các thầy cô giáo ở các trường THPT, các thầy cô giáo, các nhà khoa học tham gia tập huấn đội tuyển, đưa đội tuyển đi thi, các thầy cô giáo trực tiếp daỵ học và ôn luyện cho học sinh những người đã dành trọn tình cảm, tâm huyết trong công tác giáo dục nói chung và công tác phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước nói riêng; trong công tác tập huấn.
Thứ năm, sự quan tâm, chăm lo chu đáo, khích lệ động viên kịp thời từ cha, mẹ học sinh, sự hỗ trợ tích cực của các nhà trường, các cơ quan, tập đoàn, doanh nghiệp,... đối với các em học sinh, các thầy cô giáo trong suốt quá trình học tập và dự thi.
Thứ sáu, sự phối hợp hiệu quả của các đơn vị trong cơ quan Bộ, điển hình như Văn phòng, Báo Giáo dục và Thời đại, các Vụ, Cục liên quan (điển hình như Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Học sinh – Sinh viên, Vụ Thi đua Khen thưởng, Vụ Kế hoạch – Tài Chính), Cơ quan Đại diện phía Nam.
Đặc biệt là sự đồng tâm, hợp lực của tập thể lãnh đạo và cán bộ Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục; sự ủng hộ của các cơ quan truyền thông, báo chí đã kịp thời đưa tin, cổ vũ, động viên các em học sinh đoạt giải, có tác dụng lan tỏa mạnh mẽ, tạo động lực học tập tích cực đối với không chỉ các em học sinh dự thi Olympic mà cả đối với đông đảo các thế hệ học sinh, sinh viên trong cả nước.
Kết quả dự thi các Olympic khu vực và quốc tế với thành tích vượt trội năm 2014 một lần nữa đã cho thấy Bộ GD&ĐT đã xác định đúng hướng đi trên lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện, đồng thời tác động to lớn đến giáo viên, học sinh và toàn thể xã hội trong nỗ lực thực hiện mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng nhân cho đất nước, khẳng định vị trí của Việt Nam trên đấu trường trí tuệ quốc tế.
Định hướng trong những năm tới
Phát huy những kết quả đã đạt được năm 2014 và những năm gần đây, công tác thi chọn học sinh giỏi quốc gia, tuyển chọn, tập huấn, tổ chức các đoàn dự thi Olympic quốc tế và khu vực cần tiếp tục được đẩy mạnh theo tinh thần khách quan, trung thực, đánh giá đúng trình độ học sinh, đảm bảo chọn được những học sinh giỏi nhất tham dự các đoàn Olympic khu vực và quốc tế.
Theo đó, hình thức thi, đề thi các môn tiếp cận dần với thi Olympic khu vực và quốc tế ở tất cả các bộ môn, nhất là các môn khoa học thực nghiệm. Bộ GD&ĐT tiếp tục tăng cường hợp tác với các Hội khoa học, Viện nghiên cứu và các đại học, học viện, trường đại học trong công tác đề thi công tác tập huấn các đội tuyển với định hướng cơ bản là tích cực thực hiện chuyển giao thế hệ, chú trọng bồi dưỡng lực lượng cán bộ trẻ tham gia.
Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì bổ sung chính sách tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng và cử đi đào tạo đại học ở nước ngoài bằng học bổng, chi phí đào tạo do Nhà nước cấp hoặc do nước ngoài tài trợ theo Hiệp định ký kết với Nhà nước Việt Nam đối với học sinh đoạt giải Olympic khu vực và quốc tế để tạo động lực phấn đấu cho học sinh.
Chế độ đãi ngộ và việc tổ chức vinh danh các tập thể, cá nhân có thành tích cao, có nhiều đóng góp cũng cần tiếp tục đổi mới theo hướng dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế để thu hút nhiều hơn nữa sự quan tâm chăm lo của toàn xã hội với công tác này.
Xuất phát từ thực tiễn, bám sát tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, nghiêm túc triển thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW Hội nghị Trung ương Tám, BCH Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và các chiến lược Chính phủ đã phê duyệt, các văn bản pháp luật đã ban hành, ngành Giáo dục xác định rõ yêu cầu nhiệm vụ và lựa chọn những mục tiêu ưu tiên trong đó có mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, kiên trì thực hiện những giải pháp đổi mới hợp lý, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh để triển khai thực hiện, công tác thi chọn HSG nói chung và dự thi Olympic khu vực và quốc tế thời gian tới nhất định sẽ đạt được những thành tựu mới góp phần tích cực vào quá trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế nhằm đạt đến một nền giáo dục có hiệu quả ngày càng cao, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho sự phát triển kinh tế xã hội, đưa lại lợi ích cho nhân dân, phù hợp với xu thế của thời đại.
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại