Bắt nguồn từ đôi tay lượm phân bò!
Chấp hành xong án phạt 27 tháng tại Trại giam Sông Cái, anh Nghĩa được trở về với gia đình. Khi ấy là năm 2002, anh bước sang cái tuổi 33, với nỗi tự ti không biết nói gì, làm gì khi đối diện với vợ, con và người thân. Vì thế, ngày ra trại, anh không thông báo cho gia đình hay mà lầm lũi đi bộ từ Trại giam Sông Cái (Bác Ái) về tới phường Đô Vinh (Phan Rang-Tháp Chàm), vừa đi vừa suy ngẫm về cuộc sống đang đợi anh phía trước.
Anh Võ Đại Nghĩa.
Thu nhập của gia đình anh Nghĩa lúc bấy giờ chỉ trông cậy vào gánh xôi buổi sáng của người vợ tảo tần nuôi 2 con trong những ngày anh chịu án. Làm người đàn ông trụ cột khiến anh đau đáu câu hỏi “làm gì để kiếm tiền” khi còn ít người trong xã hội còn có thành kiến đối với những người như anh vừa mới chấp hành xong án phạt tù. Anh Nghĩa bộc bạch: Những ngày giáo dục cải tạo trong trại giam, tôi đã học được ý nghĩa của lao động, của đồng tiền và thấm thía những sai lầm mình đã vấp phải. Trong lúc bế tắc, lúng túng tìm hướng đi cho cuộc đời mới này, tôi may mắn được gia đình luôn yêu thương, động viên, nhất là anh trai cả của tôi đã nói một câu mà tôi nhớ đời: Hãy bắt đầu bằng việc mà em đã làm tốt nhất! Từ đó, tôi suy nghĩ và quyết chí về quê vợ ở xã Thanh Hải hỏi chủ trang trại đi chăn dê thuê, bởi nó gần giống với việc tôi làm ở trại cải tạo.
Với công việc này, anh Nghĩa gần như “ẩn mình” với mọi người. Sáng theo đàn dê lên núi, chiều rong ruổi về chuồng. Bằng những kinh nghiệm tích lũy được khi lao động ở Tổ chăn nuôi trong Trại giam Sông Cái, anh Nghĩa đem áp dụng trên đàn dê anh nhận nuôi. Dê khỏe, sinh sản tốt, chủ trại trả công cho anh là 6 con dê/năm. Những ngày thả dê ăn trên núi, thấy phụ nữ, trẻ em thường cầm bao lượm phân bò khô đem bán. Anh cũng “bắt chước” làm theo và không ngờ chính những nhúm phân khô ấy, anh đã có động lực vươn lên như ngày hôm nay. Anh Nghĩa nhớ lại: Suốt 6 tháng ròng nhặt phân bò trên núi đem bán, tôi tích góp được hơn 10 triệu đồng. Thấy việc này có thể khá hơn, tôi tập tành đi thu mua các loại phân gia súc, gia cầm của các chủ chăn nuôi và bán lại cho lái buôn ở Lâm Đồng. Rồi dần dà bắt sang nghề mua hàng la-ghim bỏ chợ đầu mối trong tỉnh. Mối mang đã có, tôi làm thêm việc thu mua hàng nông sản ở các vùng quê như Mỹ Tường, Thái An, Tuấn Tú xuất đi các nơi có nhu cầu… Việc kinh doanh nông sản “thuận buồm xuôi gió”, tôi bỏ nghề buôn phân chuồng để tập trung mở rộng sản xuất, thành lập công ty.
Giúp “bạn tù” hoàn lương
Hiện nay, Công ty TNHH Nông sản Anh Trung của anh Nghĩa đã có “chỗ đứng” trên thị trường các tỉnh từ Huế trở vào đến Cà Mau. Bằng hình thức kinh doanh “bao tiêu”: đầu tư giống, phân thuốc, kỹ thuật và thu mua sản phẩm cho nông dân, Công ty ổn định được nguồn hàng và tạo việc làm ổn định cho 36 công nhân, vào vụ mùa chính, có lúc cần đến 200 lao động địa phương. Trong số những người làm công cho Công ty thì có nhiều người là “bạn tù” cùng anh Nghĩa, ngoài ra còn có cả một số người đã chấp hành xong án phạt tù qua quen biết xin vào làm. Qua giới thiệu của anh Nghĩa, chúng tôi biết được hoàn cảnh của anh Lành (ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, Ninh Hải) cũng từng lao đao kiếm việc sau khi từ trại giam trở về địa phương. Khi biết “bạn tù” có nhu cầu việc làm, anh Nghĩa đã bố trí việc cho anh Lành ở cơ sở của mình, một phần là tạo thu nhập, một phần để gần gũi động viên anh Lành không trở lại con đường phạm tội như trước. Giờ đây, anh Lành đã ổn định cuộc sống từ thu nhập ở công ty của anh Nghĩa và việc trồng trọt thêm ở gia đình. Ngoài anh Lành, hiện công ty của anh Nghĩa đang sử dụng 6 lao động khác là người chấp hành xong án phạt tù. Nhiều người khi vào làm ở công ty của anh Nghĩa đã có tích góp và ra làm ăn độc lập.
Trải lòng với những gì đã qua, anh muốn đem câu chuyện thực của mình kể cho những người đang chấp hành án phạt tù để họ rút ra được điều gì đó cho bản thân sau này trở về với cộng đồng. Chính vì thế, trong những hội nghị gặp gỡ phạm nhân và thân nhân, nhiều lần anh Nghĩa được Ban giám thị Trại giam Sông Cái mời tham gia chia sẻ. Không những thế, anh còn đóng góp vào Quỹ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng của Công an tỉnh mỗi năm 5 suất vay vốn phát triển kinh tế cho người chấp hành xong án phạt tù. Công ty của anh hiện vẫn tuyển dụng lao động là người hoàn lương với mức lương 75 triệu đồng/năm. Hằng năm, anh còn dành khoản tiền trao học bổng cho Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi 4 triệu đồng/năm; 6 triệu đồng cho Trường THPT Lê Quý Đôn; 5 triệu đồng cho Trường THPT Nguyễn Trãi… Hỗ trợ Chương trình Thắp sáng ước mơ, tặng quà Trung thu, sách, vở, quần áo trị giá 50 triệu đồng cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Bằng ý chí, nghị lực, xóa bỏ mặc cảm từng phạm tội, anh Nghĩa đã tự mình làm lại cuộc đời có ích. Khi chia tay chúng tôi, anh Nghĩa nói: Sau những va vấp của bản thân, tôi hiểu ra rằng hối tiếc lớn nhất của đời người là không biết làm lại cuộc đời sau những lầm lạc. Những việc tôi đã làm hôm nay, cũng chỉ là một phần rất nhỏ giúp thêm cho công tác hỗ trợ người tái hòa nhập cộng đồng của chính quyền địa phương. Tôi hy vọng sẽ giúp được nhiều người khác hoàn lương như mình”
Diễm My