Vùng phía Bắc kéo dài từ Mũi Đá Vách đến Ninh Chử với cấu trúc rạn san hô dạng riềm điển hình (typical fringing reef) và không điển hình (non-typical fringing reef), trong đó dạng rạn riềm điển hình là chủ yếu Hình thái rạn tương đối phức tạp và đa dạng, mặt bằng thoai thoải kéo dài, có nơi chiều rộng của rạn có thể kéo dài trên 1km với nhiều tập đoàn san hô phân bố từ mức triều thấp đến độ sâu lên đến trên 20m. Vùng thứ hai với dạng rạn riềm điển hình bắt đầu với một lagun riềm bờ (fringing lagoon) và mặt bằng rạn (reef flat) rộng với ưu thế là san hô chết phần trong và các tập đoàn san hô dạng phiến Montipora, cành Acropora sống bên ngoài. Sườn dốc rạn tương đối thoải trong đó san hô cứng là thành phần chủ yếu. Phần ngoài rạn là nền đáy cát phẳng. Dạng rạn riềm điển hình chủ yếu phân bố ở vùng ven bờ Thái An, Mỹ Hoà, Mỹ Tân, Mỹ Tường (Ninh Hải) và vùng ven bờ của xã Phước Dinh ( Thuận Nam). Vào những khi triều xuống rạn san hô ở các khu vực này phơi ra một bãi triều rất rộng, có nơi bãi triều có thể kéo dài đến 500 – 800m. Vùng thứ ba, là vùng san hô dạng rạn riềm không điển hình phân bố dọc theo đường bờ kéo dài từ mũi Đá Vách đến Hang Rái thuộc xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) và vùng ven bờ từ phía nam Mũi Dinh đến phần giáp ranh địa phận tỉnh Bình Thuận. Thành phần và hình thái cấu trúc của rạn riềm không điển hình tương đối đơn giản hơn vì không có lagoon riềm. Thềm rạn san hô chìm dưới mực nước ngay những lúc triều thấp. Chiều rộng của rạn thay đổi và phụ thuộc vào nền đáy, thường thì ít phức tạp ở vùng gần bờ nhưng rất ghồ ghề ở phần phía ngoài.
Nhân dân thôn Mỹ Hiệp tham gia bảo vệ rạn san hô vùng biển xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải.
Ảnh: Sơn Ngọc
Diện tích rạn san hô ước tính khoảng 1.464 ha, có trên 350 loài san hô và được phân bố trên các khu vực: Bình Tiên – Ninh Chử khoảng 1.270 ha, Từ Thiện – Mũi Dinh khoảng 70 ha và Nam Mũi Dinh – giáp Bình Thuận khoảng 124 ha. Trong đó có khoảng 2,5% rạn san hô có độ phủ khá (51 – 75%), 10,4% có độ phủ trung bình (31 – 50%), 21,6% có độ phủ thấp (16 – 30 %) và 65,5% có độ phủ rất thấp.
Thành phần sinh vật biển sống trong hệ sinh thái rạn san hô cũng khá đa dạng với nhiều loài động, thực vật; với 173 loài thuộc 82 giống và 33 họ cá rạn san hô, trong đó có cá Bàng chài, Cá Thia, Cá Bướm, Cá Mó, Cá Đuối gai là số lượng loài phong phú nhất. Các loài thân mềm có khoảng 115 loài thuộc 3 lớp chân bụng (với 83 loài), hai mảnh vỏ (31 loài). Các họ ốc Cối, ốc Mặt trăng, ốc nhảy, ốc sứ, ốc gai, ốc đụn là số lượng loài tương đối cao; 80 loài giáp xác thuộc 53 giống, 20 họ và 5 bộ. Loài da gai bao gồm 13 loài thuộc 22 họ giun nhiều tơ trên các bãi triều. Về thực vật biển, kết quả nghiên cứu tiến hành từ nhiều năm đã ghi nhận được 188 loài rong biển thuộc 4 ngành, 86 chi và 32 họ. Rong biển phân bố chủ yếu trên vùng triều của thềm san hô chết và đá tảng ven bờ. Về cỏ biển, bước đầu đã xác định được 3 loài cỏ biển Enhalus acoroides, Thalassia hemprichii và Cymodocea rotundata phân bố khá dày đặc trên bãi triều. Diện tích phân bố của các thảm cỏ biển vùng ven biển NinhThuận có thể ước tính vào khoảng 40 hecta. Bên cạnh đó, vùng biển phía bắc của tỉnh thuộc hai xã Vĩnh Hải, Nhơn Hải huyện Ninh Hải có nhiều bãi rùa đẻ. Đồi mồi Dứa (rùa xanh) được xem là loài phổ biến và có số lượng nhiều nhất.
Có thể nói, hệ sinh thái rạn san hô mang lại rất nhiều giá trị cho cộng đồng dân cư biển. Hiện nay, rạn san hô của tỉnh là một thành phần đặc biệt của môi trường biển với sự đặc trưng về đa dạng hình thái, rộng về phân bố, bề dày lịch sử kiến tạo. Việc xây dựng, bảo tồn và khai thác bền vững hệ sinh thái rạn hô cũng như các nguồn lợi rạn san hô trở thành một thương hiệu biển bền vững cho tỉnh nhà là điều đáng được quan tâm.
Tuy nhiên, cũng như nhiều dạng tài nguyên khác từ rạn san hô hiện nay đang bị khai thác một cách quá mức, thậm chí nhiều nơi còn mang tính hủy diệt. Trong khi đó, các biển pháp khai thác bền vững còn chưa được chú trọng nhiều.
Để đảm bảo xây dựng nguồn lợi rạn san hô thành thương hiệu biển bền vững, một số giải pháp cần được xem xét như sau:
- Thứ nhất, cần nhanh chóng thực hiện việc quy hoạch phân vùng sử dụng không gian biển nói chung và phân vùng chức năng để bảo vệ rạn san hô nói riêng.
- Thứ hai, thiết lập cơ chế đồng quản lý tài nguyên môi trường biển trên cơ sở triển khai quy chế phối hợp quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển trên địa bàn tỉnh nói chung và xây dựng mô hình quản lý dựa vào cộng đồng đối với các rạn san hô tại từng khu vực biển.
- Thứ ba, phát triển du lịch bền vững thông qua sử dụng tài nguyên rạn san hô cho mục đích du lịch sinh thái trên cơ sở phối hợp khai thác tài nguyên du lịch sinh thái rừng bán khô hạn đặc hữu, hiếm có của vùng ven biển Ninh Thuận.
- Thứ tư, tăng cường công tác giám sát tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở nâng cao năng lực các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên môi trường biển và tăng cường áp dụng các biện pháp ngăn chặng các hành vi phá hoại môi trường biển nói chung và môi trường rạn san hô nói riêng.
- Cuối cùng, biện pháp giáo dục nâng cao nhận thức đối với cộng đồng dân cư vẫn là biện pháp hữu hiệu hàng đầu, có tác dụng quảng bá cao đối với việc xây dựng xây dựng nguồn lợi rạn san hô thành thương hiệu biển bền vững cho tỉnh nhà.
Đỗ Phước Vinh