* Sự kiện
- Ngày 2-8-1919: Báo L’Humanité (Nhân Đạo) của Đảng Xã hội Pháp đăng bài “Vấn đề dân bản xứ”, của Nguyễn Ái Quốc, Người nhắc lại những nội dung cơ bản “8 yêu sách của nhân dân An Nam” đã gửi tới hội nghị Versaille (6-1919) để nhấn mạnh rằng: “Rất ôn hòa cả về những nội dung và hình thức, các nguyện vọng của chúng tôi nhằm vào những cải cách chủ yếu cho việc giải phóng chúng tôi và nhằm vào những quyền tự do, mà nếu không có chúng thì con người ngày nay chỉ là một kẻ nô lệ khốn nạn. Không ai có thể phủ nhận rằng nếu không có các quyền tự do ấy, thiết yếu cho việc truyền bá những tư tưởng và kiến thức mà đời sống hiện đại đòi hỏi, thì không thể trông mong tiến hành bất cứ một công cuộc giáo hóa nghiêm chỉnh nào cả”.
- Ngày 2-8-1950: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ 7 do Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì, bước sang ngày thứ 2, đang sôi nổi thảo luận vấn đề Đảng ra công khai và lấy tên là Đảng Lao động, đồng thời cũng chuẩn bị nội dung cương lĩnh Đại hội II sẽ triệu tập trong thời gian tới. “Nhật ký bộ trưởng” của Lê Văn Hiến thuật lại: “Buổi tối họp tại hội trường, Hồ Chủ tịch chủ tọa. Cụ lần lượt trả lời tất cả các thắc mắc của anh em và cuối cùng tuyên bố hội nghị có nhiệm vụ phải nghiên cứu phương pháp thi hành cho được việc Đảng ra công khai với tên là Đảng Lao động. Toàn thể hội nghị yên lặng tuân theo. Tên Đảng tuy là Đảng Lao động, nhưng nội dung không khác trước bao nhiêu... Vấn đề đặt ra là cần có chiến thuật mềm dẻo, linh động để thống nhất giai cấp công nhân, lôi kéo các tầng lớp dân tộc dân chủ, cô lập các tầng lớp phát xít, tiến tới lập một mặt trận dân tộc, dân chủ... Sự đổi tên của Đảng chẳng những chỉ có lợi cho cuộc chiến đấu trong một nước mà cũng cùng theo chiến lược chung của mặt trận dân chủ thế giới”.
- Ngày 2-8-1955: Ngày truyền thống Ngành quản lý Nhà nước về tôn giáo Nghị định số 566/NĐ-TTg của Chính phủ đã thành lập Ban Tôn giáo trực thuộc Phủ Thủ tướng (tiền thân của Ban Tôn giáo Chính phủ ngày nay). Gần 60 năm hoạt động, ngành quản lý nhà nước về tôn giáo đã đạt được những kết quả quan trọng. Đặc biệt từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, hoạt động của ngành tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.Đây cũng là thời kỳ, ngành làm tốt công tác tham mưu để Đảng và Nhà nước ban hành nhiều văn bản quan trọng về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tôn giáo. Điều này giúp bảo đảm nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng của các tổ chức tôn giáo, vừa góp phần tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động của các tôn giáo.
- Ngày 2-8-1969: Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị để nghe báo cáo về quy hoạch xây dựng thủ đô, nhắc nhở đã quy hoạch thì phải làm đúng theo quy hoạch. Tiếp đó, cuộc họp bàn về vấn đề đấu tranh ngoại giao và tình hình miền Nam. Buổi tối tại nhà khách Phủ chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cháu thiếu nhi xem phim “Bài ca anh giải phóng quân” và giải thích cho các cháu những hình ảnh trên phim.
- Ngày 2-8-2009: Tại xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ông khánh thành Nhà máy thủy điện Sông Ông. Dự án Nhà máy thủy điện Sông Ông được khởi công xây dựng ngày 1-8-2005. Nhà máy thủy điện Sông Ông có công suất 8,1 MW, là nấc thang cuối của hệ thống thủy điện bậc thang từ thủy điện Đa Nhim, thủy điện Sông Pha và sau cùng là thủy điện Sông Ông. Tổng sản lượng điện 41 triệu kWh/năm.
- Ngày 2-8-2011: tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, lần đầu tiên ra mắt bộ sưu tập Cổ ngọc Việt Nam: Với những tượng ve, tượng cá nhỏ xíu xanh biếc trong veo, những ngọc tỷ, ấn kiếm, thẻ bài, đồ ngự dụng, gia dụng, trang sức, đường nét chạm khắc tinh xảo, màu sắc huyền bí… làm nên một bộ sưu tập quý giá chưa từng có, lần đầu tiên ra mắt công chúng.
* Nhân vật
- Ngày 2-8-1726: Ngày sinh của nhà bác học Lê Quý Đôn. Lê Quý Đôn quê ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.Ông xuất thân trong một gia đình khoa bảng lâu đời và từ nhỏ đã nổi tiếng là thông minh. Năm 1743, ông thi đỗ giải nguyên. Năm 1752, ông đỗ giáp nhất nhị danh tiến sĩ.Giới nghiên cứu xem ông là nhà bác học về lĩnh vực văn hóa với nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử, địa lý, văn học, ngôn ngữ học, triết học…Một số công trình của ông có tính chất bách khoa như: “Vân Đài loại ngữ”, “Phủ biên tạp lục”, “Kiến văn tiểu lục”, “Đại Việt thông sử”…Ông mất năm 1784. Ngày nay, ở nhiều tỉnh, thành phố ở nước ta có những đường phố, trường học mang tên Lê Quý Đôn.
Theo TTXVN