Thông cáo báo chí về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2014

Trong 2 ngày, 30-31/7, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7/2014. Báo điện tử Ninh Thuận trân trọng giới thiệu toàn văn Thông cáo báo chí về phiên họp này.

Trong 2 ngày 30 - 31/7/2014, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2014.

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận về Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2014, tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014. Chính phủ cũng đã thảo luận và cho ý kiến vào một số dự án Luật và quyết định một số vấn đề quan trọng, cấp bách đang được dư luận và nhân dân quan tâm.

I/ LĨNH VỰC KINH TẾ

Phát biểu kết luận về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2014 tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực; tuy nhiên cần nỗ lực và phấn đấu quyết liệt để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8%. Mặc dù kinh tế nước ta còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, song Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ không điều chỉnh mà bằng các biện pháp và quyết tâm phấn đấu để đạt được các chỉ tiêu đã đề ra từ đầu năm”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ của các Bộ, ngành, nhất là thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, tăng dư nợ tín dụng, tái cơ cấu nền kinh tế, cải cải cách thủ tục hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp.

- Về sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ ngành liên quan tiếp tục rà soát từng lĩnh vực, sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ hiện vẫn còn nhiều dư địa để thúc đẩy tăng trưởng.

- Về đầu tư xây dựng cơ bản, Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA; khuyến khích đầu tư tư nhân và tăng cường thu hút, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thủ tướng cho biết Chính phủ trong sẽ sớm họp và quyết định về nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện.

- Về tín dụng cho nền kinh tế, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời tập trung tăng dư nợ tín dụng nhằm góp phần tăng tổng cầu của nền kinh tế.

- Về tái cơ cấu nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện, nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu các ngân hàng thương mại yếu kém. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, trong đó có Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập trung rà soát, có phương án nhanh chóng giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành, tăng năng suất lao động để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đối với tái cơ cấu đầu tư công, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc để tiếp tục triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới.

- Về cải cách hành chính, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu đẩy mạnh thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính, mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, nhất là các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục rà soát để sớm bãi bỏ, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, nhất là các thủ tục về thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, đất đai, xây dựng. Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan đánh giá về mô hình thủ tục hành chính một cửa để triển khai áp dụng sớm trong phạm vi cả nước. Để tạo điều kiện cho người dân giám sát bộ máy hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Nội vụ xây dựng Đề án về chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân đối với bộ hành máy chính các cấp; đồng thời sớm hoàn thành Nghị định về đánh giá, phân loại đội ngũ cán bộ, công chức. Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng và hoàn thành Đề án về xác định vị trí việc làm. Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh cải cách hành chính trong thời gian tới.

- Về hỗ trợ doanh nghiệp, tại Phiên họp này, Chính phủ đã thảo luận, nhất trí sẽ ban hành Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp về thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; trong đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm quyết định theo thẩm quyền đối với một số giải pháp như gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng máy móc, thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định của doanh nghiệp, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước mà ngân sách nhà nước chậm thanh toán; bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp được trừ vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với khoản chi phúc lợi cho người lao động nếu có hóa đơn, chứng từ hợp lệ...; đồng thời kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp tới đối với các giải pháp như bổ sung quy định nguyên tắc áp dụng ưu đãi thuế TNDN; bổ sung ưu đãi thuế TNDN đối với công nghiệp hỗ trợ; bổ sung ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng và một số giải pháp quan trọng khác.

II/ LĨNH VỰC XÃ HỘI

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ và thực hiện tốt các chính sách dân tộc, chính sách đối với người có công, các chính sách về giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội, môi trường; tăng cường phòng tránh thiên tai, bão lũ. Tập trung đẩy mạnh công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn; chống buôn lậu và gian lận thương mại; bảo đảm trật tự an toàn xã hội và trật tự an toàn giao thông; phòng chống cháy nổ.

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có ý kiến chỉ đạo và kết luận về một số vấn đề mới đang được dư luận và nhân dân quan tâm.

- Về tình hình chiến sự xảy ra tại Libya và phương án đảm bảo an toàn cho hơn 1.500 người lao động Việt Nam đang làm việc tại nước này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến tình hình, đồng thời chuẩn bị các phương án nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động Việt Nam.

- Về chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan rà soát, ưu tiên bố trí vốn để sớm triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công theo Nghị quyết của Quốc hội, tiếp tục hỗ trợ nhà ở cho người nghèo theo Chương trình 167 và xây dựng nhà ở chống lũ cho người dân miền Trung. Theo rà soát và tính toán ban đầu của các Bộ, ngành và địa phương thì tổng số hộ người có công cần hỗ trợ về nhà ở là 71.000; tổng số hộ nghèo cần tiếp tục hỗ trợ về nhà ở là 510.000 hộ và tổng số hộ cần hỗ trợ nhà ở tránh lũ tại miền Trung là 40.500 hộ.

- Về quy định phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 56 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các trường hợp cụ thể mà các văn bản đã ban hành trước chưa đề cập, chẳng hạn như trường hợp phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho Mẹ có chồng và một con là liệt sỹ đã tái giá, Mẹ có con nuôi là liệt sỹ, Mẹ có con độc nhất là liệt sỹ (trường hợp có nhiều con những các con khác đều đã mất) .v.v. Thủ tướng cho biết do chưa có hướng dẫn cụ thể nên có những cách hiểu và vận dụng khác nhau trong quá trình triển khai, vì thế các Bộ liên quan cần khẩn trương hướng dẫn cụ thể.

- Về chủ trương tổ chức một kỳ thi chung quốc gia (thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi đại học), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng 3 phướng án và công bố lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến nhân dân, dư luận xã hội, hoàn thiện phương án cuối cùng, sớm công bố phương án chính thức để có thể áp dụng vào năm 2015.

- Về Tờ trình của Bộ Y tế về một số mô hình và cơ chế, chính sách để đổi mới cơ chế quản lý bệnh viện, phát triển các cơ sở khám, chữa bệnh với chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết căn cứ vào nội dung Nghị quyết Trung ương, kết luận của Bộ Chính trị, xuất phát từ các mô hình cũng như thực tiễn hoạt động y tế, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, giảm quá tải bệnh viện; minh bạch tài chính y tế … Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về nội dung này để tổ chức thực hiện. Thủ tướng lưu ý các cơ sở y tế xã hội hóa được xây dựng theo mô hình hợp tác công – tư, mô hình doanh nghiệp bệnh viện là để phục vụ chữa bệnh theo yêu cầu, phục vụ cho người bệnh có khả năng chi trả; còn người nghèo, đối tượng chính sách sẽ do Nhà nước đảm bảo chữa bệnh thông qua bảo hiểm y tế.

- Về tình hình các băng nhóm tội phạm bảo kê cho xe quá tải vượt trạm cân, tình hình buôn lậu qua biên giới và khai thác cát gây hậu quả môi trường nghiêm trọng tại nhiều địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh các nhóm tội phạm bảo kê xe quá tải; các địa phương phải nghiêm túc chấn chỉnh, xử lý khai thác cát trái phép và Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị yêu cầu chấn chỉnh tình trạng này. Về tình trạng buôn lậu, nhất là buôn lậu thuốc lá qua biên giới gây thất thu thuế nghiêm trọng (ước tỉnh hơn 6.000 tỷ đồng mỗi năm), Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải kiên quyết ngăn chặn, trong đó có việc xử lý nghiêm minh các đối tượng bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu. “Đề nghị các địa phương phải xử lý kiên quyết. Không được vì lợi ích cục bộ của địa phương mà gây thiệt hại cho nền kinh tế, cho lợi ích của đất nước” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.

III/ XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

Tại Phiên họp, Chính phủ cũng thảo luận về một số dự án Luật như Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Dự án Luật An toàn vệ sinh lao động; Dự án Luật Thú y; Dự án Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo; Dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); Dự án Bộ Luật Dân sự (sửa đổi)….

- Về Dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), Chính phủ xem xét, thảo luận về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau như đối tượng tạm hoãn gọi công dân nhập ngũ thời bình, quy định nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự. Các ý kiến thảo luận nhất trí không quy định nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự vào dự án Luật; chỉ quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh đang học phổ thông, sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học hệ chính quy trong hệ thống giáo dục quốc dân. Những đối tượng này, sau khi tốt nghiệp sẽ được gọi nhập ngũ.

- Về Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Bộ Tài chính trình, các ý kiến nhất trí không quy định việc đánh thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt có ga không cồn; nhất trí tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, rượu bia nhưng có lộ trình cụ thể, hợp lý./.