Theo đó, mục tiêu cần vươn tới là đến năm 2015, đối với thành phố Phan Rang – Tháp Chàm phát triển hệ thống cây xanh, vườn hoa, tăng cường thu gom, xử lý rác thải tại các khu đô thị… góp phần xây dựng thành phố “Xanh – sạch – đẹp”, hướng đến văn minh, hiện đại, đạt chuẩn đô thị loại II; tại thị trấn các huyện đạt chuẩn đô thị loại V. Và nỗ lực để xây dựng tỉnh nhà trở thành điểm đến của Việt Nam trong tương lai trên nền tảng là “Xanh – sạch – đẹp”. Riêng đối với cây xanh, mục tiêu cụ thể đến năm 2015 phải đạt bình quân đầu người 7m2 đối với Phan Rang – Tháp Chàm; 3m2 đối với thị trấn, trung tâm các huyện. Tại các điểm tham quan, du lịch ít nhất diện tích trồng cây xanh phải đạt 25%. Về vườn hoa, phấn đấu đạt 1,6m2/người và đến năm 2020 đạt bình quân 2,5m2/người…
Đoàn viên, thanh niên phường Mỹ Hương trổng cây phủ xanh đô thị. Ảnh: Anh Tuấn
Có thể nói, lộ trình thực hiện cũng như mục tiêu cần đạt tới đã được xác định rõ cho từng địa phương và cơ quan, đơn vị tại lễ phát động và trước đó là tại "Kế hoạch 1520/KH-UBND ngày 1-4-2014 về thực hiện Đề án “Chung tay xây dựng Ninh Thuận xanh- sạch- đẹp” năm 2014. Tuy nhiên, thực tế cho thấy giữa “phát” với “động” sẽ khó "song hành" nếu thiếu “chất keo” kết dính đó là quyết tâm thực hiện. Có thể nói, trong vòng vài ba năm trở lại đây nhiều địa phương trong tỉnh đã chú trọng đến việc tạo nên hình ảnh xanh- sạch- đẹp, nhất là tại khu vực trung tâm. Từ đó đã đầu tư lựa chọn cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương… Ngoài ra, để làm sạch môi trường sống nhiều địa phương đã tổ chức đội thu gom rác thải tại các nơi có điều kiện, vận động nhân dân tự xử lý qua chôn lấp… Mặt khác, gắn việc vận động với thực hiện các chế tài xử phạt các trường hợp chăn nuôi heo thả rong trong xóm, gia súc cắn phá cây trồng ven các tuyến đường nội, ngoại ô; thành lập các tổ tự quản bảo vệ môi trường, tổ giám sát môi trường tại các địa phương có nhà máy sản xuất… Theo đó, đến cuối năm nay ít nhất có 97% rác thải sinh hoạt tại các khu đô thị của tỉnh được thu gom và xử lý hợp vệ sinh… Những kết quả đạt được nhìn từ các địa phương ngày càng thấy rõ nhưng bên cạnh đó vẫn còn không ít điều phải bàn. Thứ nhất là cây xanh: Tỷ lệ cây sống và phát triển sau khi trồng chưa đều, chưa cao trong đó có nguyên do là không có “chủ” cây đích thực nên không bảo quản, chăm sóc, bỏ mặc “được chăng hay chớ” dẫn đến lãng phí cả về kinh phí lẫn… công sức đã bỏ ra. Thứ hai là môi trường: Tình trạng dễ thấy là chất thải rắn được người dân đổ vô tội vạ tại các khu đất công, ven đường cả quốc lộ đến xã, thôn lộ. Rác thải còn đổ ra đường, xuống mương rãnh… mặc cho “nước chảy, gió bay” tấp dọc hàng rào, cây cối ven đường tạo nên hình ảnh “xấu xí” ở địa phương. Không những vậy tình trạng chăn nuôi trong khu dân cư cũng còn khá phổ biến làm cho môi trường sống của người dân bị ô nhiễm. Đó là chưa nói tình trạng nước thải ra đường gây mất vệ sinh chung. Thứ ba là đẹp: Đây là hệ quả của 2 yếu tố xanh và sạch. Tuy vậy, hình ảnh thân thiện, văn hóa trong đối xử, văn minh trong sinh hoạt… nếu thực hiện tốt sẽ tạo nên “bộ mặt” mới và như mong muốn chung đó là tỉnh ta sẽ thực sự là điểm đến của du khách, nhà đầu tư trong tương lai.
Chung quy lại, lộ trình đã rõ, vấn đề còn lại là có quyết tâm thực hiện từ chính quyền địa phương đến ngành chức năng và cả sự đồng thuận, chung tay của người dân ở từng địa phương hay không mà thôi !.
Tuấn Dũng