Đó là tình trạng đường dây điện mắc chằng chịt, chồng chéo lên nhau như “mạng nhện”. Nhiều đường dây điện còn kéo sát qua mái tôn nhà dân hoặc do các cột đã xuống cấp nên dây điện nằm sát các bụi cây ven đường. Dây điện đã vậy, cột điện cũng không khá gì hơn. Nhiều cột điện làm từ cây tre, cây gỗ lâu ngày đã mục nát, xiêu vẹo có thể đổ bất cứ lúc nào. Nguy hiểm hơn cả là việc người dân tự ý đấu nối đường dây điện, kéo điện để chạy mô tơ bơm tưới cho cây trồng, đáng nói là nhiều nơi ở ven tuyến đường giao thông, dây điện người dân kéo lòng thòng cao không quá đầu người làm cho không ít người qua lại hàng ngày luôn phải nơm nớp lo sợ, nhất là vào mùa mưa và chẳng biết “họa vô đơn chí” khi nào!. Không chỉ đường dây điện nguy hiểm mà hình ảnh hàng chục công tơ điện “chen lấn nhau” trên cột cũng trở thành mối họa tiềm ẩn.
Điện lực Ninh Thuận cải tạo lưới điện nông thôn bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Ảnh: Sơn Ngọc
Đáng ngại là những cột điện có nhiều công tơ “đeo bám” lại nằm sát với nhà dân nên hậu quả khó lường nếu xảy ra cháy nổ. Thậm chí có những công tơ điện nằm cách mặt đất trên dưới 1m, ngang tầm với của trẻ em, rất nguy hiểm cho người qua lại khu vực này…
Cân phân mà nói, những năm qua ngành Điện lực tỉnh nhà đã đầu tư không nhỏ để cải tạo lưới điện, đổi mới trong công tác quản lý, đẩy mạnh công tác tuyên truyền an toàn sử dụng điện và sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả... Bên cạnh đó, Điện lực cũng đã tiến hành xử lý những vị trí có nguy cơ gây mất an toàn tại các đường dây trước công tơ do Điện lực quản lý, khắc phục, xử lý nhanh sự cố trong mùa mưa, bão; phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, nhắc nhở người dân trong việc chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn điện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện còn xảy ra dễ dẫn đến sự cố lưới điện và tai nạn điện. Mặt khác, trong khi phần dây ra sau công tơ là tài sản và trách nhiệm đầu tư của hộ sử dụng điện, song người dân chưa quan tâm cải tạo, thay thế. Nhiều hộ vẫn sử dụng những dây điện cũ nên không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, vừa tổn thất điện năng cao, vừa dễ chập nổ…Tuy đã được ngành điện nhắc nhở nhưng người dân chưa hợp tác chặt chẽ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho chất lượng lưới điện kém và cũng là nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân.
Hiện nay, không chỉ đơn thuần với mối lo lưới điện, mà còn lo bởi mạng cáp viễn thông cũng kéo vô tội vạ dọc, ngang… như đan lưới trên đầu người dân, nhất là ở nông thôn. Thậm chí có nơi cáp viễn thông kéo chung với đường điện, thòng cả xuống đất cũng chẳng thấy đơn vị chủ quản quan tâm sửa chữa, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân không kém.
Cần phải nói thêm rằng, những tình trạng nói trên đã diễn ra từ khá lâu, tuy nhiên, ngành, đơn vị chức năng vẫn tỏ ra thờ ơ, phó mặc. Để khắc phục tình trạng này, nhất là trước mùa mưa, bão sắp tới đề nghị chính quyền địa phương và ngành chức năng liên quan cần khảo sát thực tế, đầu tư hoàn chỉnh mạng lưới điện, mạng cáp viễn thông; cắt dọn những “bó” dây không còn sử dụng hoặc không an toàn. Kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm an toàn lưới điện…Để làm được điều đó cũng rất cần sự đồng thuận và hợp tác từ người dân ở các địa phương.
Tuấn Dũng