Hiện nay dường như trong nhiều gia đình, người ta không ai thích ngồi khâu vá nên họ đem đồ đi sửa. Nhờ vậy mà người thợ có công việc đều đều. Khách vãng lai cũng đông hơn, do quần áo may sẵn nhiều kích cỡ, có cái không vừa ý với người mua họ thích, cần phải sửa lại. Các thợ may ngày ngày vẫn làm công việc mình yêu thích đồng thời cũng trở thành nhà “tạo mẫu” nghiệp dư theo yêu cầu tạo ra “hàng độc” của một số khách hàng. Họ lặng lẽ làm việc bên vỉa hè, tiếng máy may cũ kỹ lạch cạch, đều đều như một “phân xưởng” may công nghiệp. Khác là ở đây họ làm tạm bợ bên hè phố, mưu sinh hàng ngày nuôi cả gia đình.
Ảnh minh họa.
Anh Hùng, ở Phường Thanh Sơn sửa quần áo tại Cống Ông Cọp trên đường Thống Nhất cho hay: Trước kia mình làm thợ may ở phường Mỹ An thu nhập cũng kha khá. Thời gian trở lại đây các sản phẩm may công nghiệp ra đời, giá rẻ thu hút người tiêu dùng, vì thế tiệm may vắng khách, một số tiệm có tên tuổi may ra còn tồn tại. Anh quyết định đóng cửa tiệm, chuyển sang nhận sửa quần áo vỉa hè, vậy mà cũng 15 năm rồi. Ngày nào đông khách thì làm quần quật, không có thời gian ngơi tay, ngơi chân. Hôm ế khách thì thỏa sức nhìn ngắm người đi đường. Một ngày anh kiếm hơn hai trăm ngàn trừ đi chi phí, thu nhập đủ lo cho gia đình có cuộc sống no đủ.
Ban đầu nghề này chỉ một vài người làm. Lâu dần, thấy “làm ăn được” nên người làm nghề may vá vỉa hè ngày càng đông hơn. Một chiếc xe đẩy, máy may, hộp kim chỉ đủ màu xanh đỏ, kéo, phấn kẻ và vài ba mảnh vải vụn và một vài chiếc ghế nhựa cho khách ngồi… là những vật dụng không thể thiếu của người thợ sửa quần áo. Hằng ngày, những thợ may vỉa hè đều trải qua một nhịp sống gần giống như nhau mở hàng từ 7 giờ đến 18 giờ dọn hàng. Để tiết kiệm thời gian và tiền bạc, hầu hết thợ may ở đây đều mang cơm hộp đi làm. Trung bình mỗi người thợ đón từ 20 đến 30 lượt khách đến sửa trong ngày. Qua tìm hiểu, những hàng sửa quần áo ở đây đều có giá chung như nhuộm 35.000 đồng đến 40.000 đồng, thay dây kéo, mở hoặc thu lưng quần từ 10.000 đến 20.000 đồng, cắt ống, lên lai 15.000-20.000 đồng tùy vào từng loại quần. Mỗi khi khách đến họ đều ghi nhanh tên, số điện thoại và yêu cầu của khách vào giấy. Lâu dần ai cũng có “ bạn hàng ruột” họ ghi lại số đo vào cuốn vở, mỗi khi khách đến không cần tả quá kỹ, không cần đo lại, thợ chỉ cần nhìn người rồi sửa theo, vậy mà vừa vặn. Anh Tùng tâm sự: Công việc này đòi hỏi phải kiên nhẫn, tỉ mỉ chứ nóng nảy là thua. May đồ mới đã khó, sửa đồ cho vừa ý khách còn khó hơn. Người sửa phải biết tư vấn cho khách nên sửa thế nào vừa đẹp, vừa phù hợp vì chỉ sơ sẩy một chút là làm hư đồ phải đền cho khách, còn mất bạn hàng nữa.
Hơn 12 giờ trưa, chị Vân ở phường Phủ Hà vẫn còn cặm cụi trên bàn máy may nơi vỉa hè đường Quang Trung để sửa lại chiếc quần cho khách. “Khách hẹn 30 phút sẽ quay lại lấy đồ nên mình phải làm nhanh mới kịp. Nghề này mà không đúng hẹn là mất hết khách”- chị Vân cho biết. Như bao người làm nghề may vá trên con phố khác, công việc hàng ngày của chị Vân là nhận sửa quần áo cũ. Khách hàng của chị Vân rất đa dạng, từ công nhân, viên chức đến những người lao động, các em học sinh… Chị Loan là khách đến sửa quần áo cho biết: quần áo đã qua model bỏ đi thì tiếc lắm, mình cứ đem đến đây cho thợ may họ sửa, họ tha hồ “biến tấu, cách điệu”, mình không phải tốn nhiều tiền mà có cái quần, cái áo đẹp lại hợp thời trang”.
Ngày lại ngày, những người thợ may trên vỉa hè gò lưng với chiếc bàn máy may, tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ để đem lại sự hài lòng cho khách hàng. Những ngày lễ, tết, các anh, các chị thợ sửa quần áo phải tự giác trả lại vỉa hè cho xã hội. Như bao nghề khác trên phố, nó đem lại cuộc sống ổn định cho những người theo nghiệp kim chỉ, góp phần tạo nên một nét văn hóa đặc trưng đáng yêu của cuộc sống nhộn nhịp ở Tp.Phan Rang-Tháp Chàm hôm nay.
Hồng Chỉ