Sau cuộc đàm phán kéo dài 5 giờ tại trụ sở Thượng viện, Thủ tướng Hun Sen (Hun Xen), trưởng đoàn đảm phán CPP, và Chủ tịch CNRP Sam Rainsy Xam Rên-xi) cùng rời phòng họp, bắt tay nhau và tuyên bố với báo giới hai bên đã đạt được thỏa thuận giải quyết bế tắc chính trị. Ông Sam Rainsy khẳng định các nghị sĩ của CNRP sẽ tham dự cuộc họp của Quốc hội trong thời gian sớm nhất có thể, sau khi thực hiện nghi thức tuyên thệ tại Hoàng cung, chấm dứt gần 1 năm đảng này tẩy chay quốc hội khóa V được thành lập sau cuộc bầu cử. Tại cuộc họp báo sau hội đàm, đại diện CPP, Quốc vụ khanh Prum Sokha (Prum Xô-kha) và đại diện CNRP, người phát ngôn Yim Sovan (Y-im Xô-van), cho biết nội dung của thỏa thuận gồm 7 điểm chính, trong đó nhấn mạnh sự nhất trí của hai đảng trong việc giải quyết vấn đề chính trị bằng cách cùng tham gia Quốc hội để tiến đến giải quyết các vấn đề của đất nước, phù hợp với nguyên tắc dân chủ và luật pháp. Một vấn đề có tính then chốt là ngoài việc đưa quy định về Ủy ban bầu cử Quốc gia (NEC) vào Hiến pháp, hai bên đã nhất trí được thành phần NEC sẽ gồm 9 thành viên, mỗi đảng giới thiệu 4 thành viên của mình, 1 thành viên còn lại sẽ được quyết định dựa trên sự nhất trí của cả hai đảng.
Hai bên cũng nhất trí việc chia sẻ quyền lãnh đạo Quốc hội, theo đó CPP nắm giữ các chức Chủ tịch và Phó Chủ tịch thứ hai của Quốc hội và Chủ nhiệm 5 Ủy ban của Quốc hội. Trong khi đó, CNRP giữ các chức Phó Chủ tịch thứ nhất của Quốc hội và Chủ nhiệm 5 Ủy ban của Quốc hội (trong đó có Ủy ban thanh tra và chống tham nhũng sắp tới sẽ được thành lập). Trong một động thái tạo thuận lợi cho việc thực thi thỏa thuận, hai đảng nhất trí cùng đề nghị tòa án xem xét cho tại ngoại 8 thành viên của CNRP (trong đó có 8 nghị sĩ) bị bắt với các cáo buộc tổ chức biểu tình bạo lực hôm 15-7 vừa qua. Trong cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia hồi tháng 7-2013, CPP giành được 68/123 ghế nghị sĩ Quốc hội, 55 ghế còn lại thuộc về CNRP. Tuy nhiên, CNRP đã tẩy chay Quốc hội với cáo buộc có gian lận nghiêm trọng, đòi điều tra và bầu cử lại.
Theo TTXVN