Tuy nhiên với cuộc sống hiện đại ngày nay thì điều đó không còn phù hợp. Để con trẻ có thể phát huy và phát triển năng lực của mình, hãy để cho các em tự thích nghi với môi trường. Khi các em đối diện với áp lực và đưa ra các đòi hỏi, chúng ta không nên đáp ứng ngay, bởi lẽ sự bao bọc của người lớn là nguyên nhân khiến các em trở nên bị động và tự tạo rào cản cho mình trong cuộc sống.
Ảnh minh họa.
Hiểu điều đó, nhưng một người bạn của tôi vẫn không thể không quan tâm đến hai người con gái. Cô lớn đang học năm cuối đại học, chuẩn bị tốt nghiệp, còn cô nhỏ năm nay thi vào đại học. Trước đây, khi con còn nhỏ, tất cả công việc gia đình từ nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa… đều do bạn tôi lo liệu. Hằng ngày, hai vợ chồng thay nhau đưa đón con, từ học chính khóa ở trường đến học thêm. Khi con vào đại học, hằng tuần, bạn tôi luôn tất bật đi chợ sắm sửa thịt, cá, trái cây… gởi vào thành phố cho con. Bạn tôi chia sẻ rằng con vì bận bịu bài vở, không có thời gian đi chợ, nên chắc chắn không mua được thức ăn tươi ngon. Thật ra, ngoài việc yêu cầu con học thật giỏi, vợ chồng bạn tôi không đề ra “chỉ tiêu” nào khác. Kỳ thi đại học vừa rồi, cả hai vợ chồng lại phải xin nghỉ phép, khăn gói cùng cô con gái nhỏ vào thành phố để tham dự kỳ thi.
“Bao sân” cho con từ A đến Z như bạn tôi là tình cảnh chung của nhiều bậc cha mẹ. Ban đầu họ lo lắng cho con, từ những việc nhỏ nhặt, dần dần mối lo trở thành thói quen, hình thành suy nghĩ “con mình không có khả năng làm được điều đó” nên không yên tâm giao việc. Dẫu biết rằng việc “bao sân” cho con không phải là điều tốt, nhưng đa phần các bậc phụ huynh vẫn không thoát khỏi được vòng lẩn quẩn của tình thương và trách nhiệm. Tình thương của cha mẹ dành cho con cái là một điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nếu nuông chiều con quá mức sẽ làm con cái ỷ lại, sống ích kỷ, thiếu kỹ năng tự lập …
Vậy nên, cha mẹ cần phải định hướng tốt cho con cái, tạo cho chúng kỹ năng sống tự lập, ý chí phấn đấu, tư duy độc lập. Đó chính là nền tảng vững chắc cho cuộc sống của con sau này.
Minh Uyên