Khám sức khỏe định kỳ - NLĐ bị lãng quên
Theo Điều 152 Bộ luật Lao động sửa đổi (năm 2012): Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ, kể cả người học nghề, tập nghề; lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản; người làm việc nặng nhọc, độc hại, NLĐ là người khuyết tật, NLĐ chưa thành niên, NLĐ cao tuổi phải được khám sức khỏe ít nhất 6 tháng 1 lần. NLĐ làm việc trong điều kiện có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp phải được khám bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, qua báo cáo của các DN gởi về Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, năm 2013, toàn tỉnh chỉ có 71 DN thực hiện công tác này. Tổng số lao động được khám sức khỏe định kỳ là 6.281 người. Kết quả phân loại có 2.653 người có sức khỏe loại III, 769 người có sức khỏe lại IV và 114 người có sức khỏe loại V. Trung tâm cũng đã phối hợp với một số DN tổ chức khám sức khỏe cho 190 lao động làm việc trong môi trường có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp cao, phát hiện 3 lao động mắc bệnh nghề nghiệp, trong đó 1 trường hợp bị điếc do tiếng ồn, 2 trường hợp bị bệnh lao nghề nghiệp. Cũng qua đối chiếu, việc khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ chỉ dừng lại ở các DN Nhà nước, hoặc một số DN khu vực ngoài Nhà nước có quy mô lớn. Phần lớn các DN vừa và nhỏ rất thờ ơ, thậm chí cố tình trốn tránh thực hiện các quy định này. Nhiều DN có tổ chức khám nhưng không đầy đủ so với lao động tại DN. Như vậy, so với tổng số hơn 1.800 DN, rất đông NLĐ bị chủ DN “thờ ơ” với sức khỏe của mình.
Công nhân cần được khám sức khỏe định kỳ theo quy định pháp luật. Ảnh: Sơn Ngọc
Không chỉ thiếu trách nhiệm trong việc khám sức khỏe định kỳ, việc khảo sát, đo đạc, cải thiện môi trường làm việc cho NLĐ cũng chưa được nhiều DN quan tâm. Nhiều lao động làm việc trong môi trường độc hại như tiếng ồn cao, khói bụi… trong các lĩnh vực xây dựng, khai thác đá nhưng không được trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cá nhân. 6 tháng đầu năm 2014, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã thực hiện đo đạc yếu tố độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe NLĐ tại 11 DN, với 1.030 mẫu đo, kết quả có 180 mẫu vượt tiêu chuẩn cho phép.
Ngoài ra, theo Thông tư liên bộ số 01 ngày 10-1-2011 giữa Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế, các DN có tổng số lao động trực tiếp dưới 500 người bắt buộc phải có hợp đồng chăm sóc sức khỏe với một trong các cơ quan y tế địa phương như trạm y tế xã, phường, thị trấn, Phòng khám đa khoa khu vực… Tuy nhiên, theo thống kê, có trên 90% DN không thực hiện quy định này. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ mà còn gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý về y tế lao động của cơ quan chức năng.
Cần có chế tài mạnh
Trong khi ý thức chấp hành pháp luật của nhiều DN còn hạn chế, việc áp dụng các biện pháp chế tài xử phạt lại chưa hợp lý nên không có tác dụng răn đe đối với các DN vi phạm. Theo Nghị định số 47/2010/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 25-6-2010 quy định xử phạt hành chính về vi phạm pháp luật lao động, người sử dụng lao động không điều trị hoặc không khám sức khỏe định kỳ, khám không đủ số lượng và không lập hồ sơ sức khỏe riêng biệt cho NLĐ bị bệnh nghề nghiệp sẽ bị phạt từ 300 ngàn đồng đến 20 triệu đồng, tùy thuộc quy mô sử dụng lao động của DN. Nếu khám sức khỏe cho NLĐ, DN phải bỏ ra một khoản lớn hơn nhiều so với mức xử phạt, vì thế, các chủ DN sẵn sàng chịu nộp phạt thay vì tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ. Thực tế từ trước đến nay, chưa có DN vi phạm nào bị xử phạt hành chính, mà chỉ dừng lại ở hình thức khiển trách, nhắc nhở. Chính điều này khiến các DN “lờn” luật và cố tình trốn tránh trách nhiệm của mình. Một nguyên nhân quan trọng nữa đó là NLĐ thiếu hiểu biết về quyền, lợi ích và chưa quan tâm đến sức khỏe của bản thân. Anh Lê Văn Hậu, một công nhân xây dựng cho biết: Tôi làm nghề này gần chục năm, tuy nhiên chưa bao giờ được công ty cho đi khám sức khỏe. Do phải thường xuyên tiếp xúc với khói bụi nên bản thân thường xuyên bị viêm đường hô hấp, nhức mỏi. Mỗi lần bị bệnh tự mình đi khám lấy thuốc về uống.
Ông Nguyễn Nhị Linh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế về quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe NLĐ và bệnh nghề nghiệp, định kỳ hàng quý, hàng năm, các cơ sở lao động phải hoàn chỉnh và gởi báo cáo về công tác y tế lao động cho cơ quan quản lý là Trung tâm Y tế dự phòng địa phương, tuy nhiên chỉ một số ít DN thực hiện quy định này. Mặc dù là cơ quan quản lý, nhưng việc tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử phạt lại do Thanh tra ngành Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì thực hiện. Chính điều này đã làm cho Trung tâm thiếu tính chủ động trong công tác quản lý trên lĩnh vực này.
Như vậy, để siết chặt hơn nữa công tác quản lý y tế lao động tại các DN cần có sự phối hợp đồng bộ giữa ngành Y tế và Lao động- Thương binh và Xã hội tăng cường tuyên truyền, vận động, thanh tra, kiểm tra, nhắc nhở, đặc biệt thực hiện các chế tài mạnh mang tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm. Ngoài ra, tổ chức công đoàn các DN cũng cần phát huy tốt vai trò, trách nhiệm tham gia giám sát, tham mưu với chủ doanh nghiệp thực hiện đầy đủ chế độ khám sức khỏe định kỳ, cải thiện môi trường làm việc, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.
Uyên Thu