* Sự kiện
- Ngày 12-7-1940: Đồng chí Nguyễn Ái Quốc gửi báo cáo tới Quốc tế Cộng sản khẳng định rằng: “Ở Đông Dương chỉ có Đảng Cộng sản là một chính đảng chân chính, có tính chất toàn quốc và có quần chúng” và vào thời điểm này thì “động cơ hành động của chúng tôi là củng cố sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng căn cứ địa, mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất các dân tộc bị áp bức và cần đến sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản”.
- Ngày 12-7-1946: Ngày truyền thống của lực lượng An ninh nhân dân Việt Nam. Ngày này cách đây 68 năm, lực lượng an ninh trên cả nước đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang và được sự hỗ trợ đắc lực của nhân dân, đồng loạt mở cuộc tấn công trấn áp bọn phản cách mạng, đập tan cuộc đảo chính do Quốc dân Đảng câu kết với thực dân Pháp tiến hành trong hoàn cảnh chính quyền cách mạng đang còn non trẻ. Chiến công vẻ vang đó là mốc son chói lọi của thời kỳ đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài của lực lượng An ninh nhân dân Việt Nam. Trải qua 68 năm xây dựng trưởng thành, lực lượng An ninh nhân dân đã có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm nên truyền thống “Tận trung với Đảng, đoàn kết hiệp đồng, mưu trí sáng tạo và quyết thắng”. Lực lượng An ninh nhân dân được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.
- Ngày 12-7-1951: trong bài viết nhan đề “Phê bình” đăng trên báo Nhân Dân, số 16, bút danh C.B, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích: “Thuốc đắng dã tật, nói thật được việc. Phê bình là thuốc để chữa các bệnh khuyết điểm... Chúng ta vì dân vì nước mà làm cách mạng. Muốn cách mạng thành công, ắt phải đoàn kết và tiến bộ... Phê bình là quyền lợi và nhiệm vụ của mọi người, là thực hành dân chủ. Không phê bình tức là bỏ mất một quyền dân chủ của mình”.
- Ngày 12-7-1995: Bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Sau năm 1975, Mỹ thi hành chính sách cấm vận toàn diện đối với Việt Nam. Từ năm 1987 Mỹ từng bước nới lỏng cấm vận thương mại. Tháng 7-1993, Tổng thống Mỹ quyết định giải toả quan hệ Việt Nam với quỹ tiền tệ quốc tế. Đến ngày 3-2-1994, Mỹ huỷ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam. Và ngày 12-7-1995, Việt Nam và Mỹ chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Các chuyến thăm lẫn nhau của các nhà lãnh đạo cấp cao hai bên diễn ra thường xuyên sau đó.Trải qua 19 năm, với quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước, mối quan hệ Việt-Mỹ đã không ngừng phát triển và ngày càng sâu sắc. Cùng với sự phát triển của quan hệ chính trị là sự mở rộng không ngừng của quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước. Sự hợp tác giữa hai nước cũng được mở rộng sang cả lĩnh vực giáo dục, y tế, an ninh và quốc phòng…
- Ngày 12-7-2004: Tại Hà Nội, công bố Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Đây là lần đầu tiên có một văn bản dưới dạng pháp lệnh quy định cụ thể quyền tự do, tín ngưỡng đã được quy định tại Hiến pháp. Pháp lệnh có 6 chương, 41 điều, được Uỷ ban thường vụ quốc hội thông qua ngày 18-6-2004. Pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 15-11-2004.
- Ngày 12-7-2011: tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Quốc gia về công nghệ thông tin phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông công bố phát hành "Sách trắng về công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam 2011".
* Nhân vật
- Ngày 12-7-1119: Ngày mất của Thiền sư Dương Không Lộ (Không Lộ thiền sư) Dương Không Lộ sinh năm 1016, quê ở huyện Giao Thủy (Nam Định). Sau khi học đạo Phật, ông về tu ở chùa Keo (tỉnh Thái Bình) và đi truyền đạo ở nhiều nơi trong nước. Truyền rằng thời ấy có thái tử bên Trung Quốc bị bệnh nặng, không ai chữa khỏi, phải cho mời ông. Chữa khỏi bệnh cho Thái Tử, ông chỉ nhận đồng đem về nước, đúc hàng loạt chuông lớn, ban cho các nhà chùa. Do đó, nhiều làng có nghề đúc đồng đều thờ ông làm tổ sư nghề.Không những là một nhà sư nổi tiếng, ông còn là một nhà thơ. Tác phẩm chính của ông là “Ngôn hoài” trong “Thiền uyển tập anh”.
- Ngày 12-7-1995: Ngày mất của nhạc sĩ Văn Cao. Nhạc sĩ Văn Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao, ông sinh ngày 15-11-1923 trong một gia đình nghèo ở Hải Phòng. Văn Cao là một trong những nhạc sĩ thuộc lớp tiền bối của nền tân nhạc Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của ông luôn gắn chặt và hoà trộn với dòng chảy lịch sử của dân tộc. Nhiều tác phẩm của ông đã trở thành di sản âm nhạc quý báu của nước nhà như: "Thiên thai", "Bến xuân", "Trương Chi", "Suối mơ"... Đặc biệt, ông là tác giả của “Tiến quân ca” - Quốc ca Việt Nam. Không chỉ là một nhạc sĩ tài năng, Văn Cao còn viết văn xuôi, làm thơ và vẽ tranh. Dù ở lĩnh vực nào, ông cũng gặt hái được những thành công nhất định.Nhạc sĩ Văn Cao được tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1, năm 1996 về văn học, nghệ thuật.
Theo TTXVN