Nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn

(NTO) Thời gian gần đây tại một số địa phương, tình trạng cháy chập điện trong quá trình sử dụng đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này vẫn là do ý thức của người sử dụng điện.

Thiếu an toàn do bất cẩn

Người dân thôn An Thạnh, xã An Hải (Ninh Phước) hẳn chưa thể quên được vụ tai nạn chập điện xảy ra vào tối 15-3, khi gia đình cô dâu đang dựng rạp chuẩn bị lễ vu quy thì bất ngờ xảy ra tai nạn chết người. Do dây điện trong rạp bị rò, nhiễm qua cột sắt đã làm 2 người cháu đến chơi trốn tìm bị điện giật chết tại chỗ.

Dây điện hạ thế vào nhà dân tại thôn An Thạnh (xã An Hải, Ninh Phước)
không đảm bảo an toàn.

Bài học về an toàn điện không bao giờ cũ bởi mới đây, ngày 11-6, tại thôn Tân Mỹ (xã Mỹ Sơn, Ninh Sơn), một vụ chập điện xãy ra do người dân bất cẩn trong quá trình sửa chữa điện gia đình làm 2 người chết tại chỗ. Sắp tối, thấy bóng đèn trên trần nhà không sáng, anh Khách đã nhờ anh Hùng là hàng xóm qua giữ thang dùm để sửa điện. Điều bất cẩn đó là trước khi sửa, anh Khách đã không ngắt cầu giao điện trong nhà, trong khi đó lại đứng trên thang sắt không có tác dụng cách điện nên khi đụng vào mạch hở, điện đã phóng xuống làm cả hai người bật ngửa xuống đất chết tại chỗ.

Cũng trong tháng 6, trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đã xảy ra 2 vụ cháy nhà, mà nguyên nhân đều do chập điện. Hỏa hoạn đã làm thiệt hại nhiều tài sản, nhưng rất may không gây thiệt hại về người. Ông Nguyễn Văn Tân, chủ nhân của ngôi nhà bị cháy tại phường Mỹ Hương cho biết: Nhà ở từ hơn 10 năm nay nhưng chưa lần nào để ý kiểm tra lại đường dây điện. Gia đình đang tính khi sửa lại nhà sẽ thay luôn hệ thống điện, ai ngờ chưa kịp làm thì xảy ra hỏa hoạn. Giờ toàn bộ tiền bạc và đồ dùng cháy hết!

Ông Nguyễn Bá Linh, cán bộ Phòng Kỹ thuật an toàn Công ty Điện lực Ninh Thuận cho biết: Mặc dù ngành Điện đã thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền về an toàn trong sử dụng điện bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền khi khách hàng làm thủ tục đăng ký mua điện, định kỳ trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan trên các bảng pa-nô, cấp phát các tờ rơi đến khách hàng sử dụng điện; phối hợp với các trường học để tuyên truyền cho học sinh trước kỳ nghỉ hè... Tuy nhiên hiện vẫn còn một số bộ phận nhân dân chưa ý thức trong việc lắp đặt, sử dụng điện dẫn đến không đảm bảo an toàn về điện và gây ra tai nạn điện.

Lắp đặt, sử dụng điện đúng cách

Theo khuyến cáo của ngành Điện lực, để đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của nhân dân trong sử dụng điện, các hộ dân cần phải lắp thiết bị bảo vệ cho nguồn điện bằng áp-tô-mát chống giật; tiết diện dây dẫn điện phải chọn phù hợp với công suất sử dụng; nối dây dẫn điện phải nối so le và bọc kín mối nối bằng băng cách điện. Dây dẫn điện trong nhà phải dùng dây bọc cách điện.

Lắp đặt các thiết bị ổ cắm điện ở nơi khô ráo và thuận tiện cho việc sử dụng. Gia đình có trẻ em hoặc nằm trong vùng có thể bị ngập nước, các thiết bị phải đặt cách mặt đất ít nhất 1,4m. Chỉ sửa chữa điện trong nhà sau khi đã cắt điện, chân tay khô ráo và chân đi giày hoặc dép khô. Khi dây dẫn điện trong nhà bị sờn, đứt, tróc cách điện phải cắt điện và sửa chữa ngay. Các thiết bị, đồ dùng điện trong nhà nếu hư hỏng phải thay thế hoặc sửa chữa xong mới được tiếp tục sử dụng.

Khi có người bị điện hạ áp giật, phải nhanh chóng cắt cầu dao, cầu chì, áp tô mát gần nhất và phải hô to để mọi người đến trợ giúp. Lưu ý: Người trợ giúp phải biết cách để tách nạn nhân ra khỏi mạch điện. Tuyệt đối không chạm trực tiếp vào người nạn nhân, vì như vậy người cứu cũng bị điện giật.

Ông Linh cho biết thêm: Người dân không tự ý sửa chữa điện của gia đình nếu không có kiến thức về điện, mà phải nhờ hoặc báo cho người có chuyên môn về điện đến sửa chữa. Các tổ chức, cá nhân sử dụng điện phải tổ chức kiểm tra an toàn hệ thống điện của mình, kịp thời phát hiện và ngăn ngừa nguy cơ gây sự cố và tai nạn về điện.