Nhà báo Vũ Hoàng Lân kể lại: Vụ việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam xảy ra ít ngày sau khi tôi trở về đất liền từ chuyến ra quần đảo Trường Sa (từ ngày 18 đến 27-4-2014). Biết Việt Nam có chủ trương đưa các nhà báo trong nước và quốc tế ra tận hiện trường, nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, để ghi nhận thực tế một cách khách quan, tôi đã đăng ký để được ra vùng biển Hoàng Sa. Được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cơ quan chức năng Việt Nam, tôi đã có mặt tại hiện trường vào những tuần đầu xảy ra sự việc. Hành trang quen thuộc của tôi vẫn là những chiếc máy quay phim nhỏ gọn, cùng các dụng cụ hỗ trợ như mọi khi. Nhưng lần này, đồ nghề được bao bọc cẩn thận vì tôi đã được báo trước về các vụ đâm húc và phun vòi rồng của tàu Trung Quốc vào các tàu Việt Nam.
Nhà báo Vũ Hoàng Lân tường thuật từ khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981.
Ảnh tư liệu
Ngày đầu tiên tới hiện trường, tôi đã nghe các nhân viên của Cục Kiểm ngư đi cùng trên tàu cho biết, vừa có tàu của lực lượng Kiểm ngư Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm va vào sáng hôm đó. Vậy là vừa “chân ướt chân ráo” ra tới nơi, tôi đã cảm nhận ngay được “sức nóng” ở đây. Thỉnh thoảng tôi thấy có khoảng 5-6 tàu Trung Quốc cùng chĩa mũi chạy thẳng về hướng tàu của chúng tôi.
Qua các cuộc tiếp xúc và phỏng vấn với lực lượng chức năng trên các tàu Kiểm ngư, tàu Cảnh sát biển và một số ngư dân trên tàu cá, cũng như tận mắt chứng kiến những dấu vết hư hại trên một số tàu Việt Nam sau khi bị tàu Trung Quốc đâm húc hay phun vòi rồng, tôi có thể thấy được áp lực tấn công của phía Trung Quốc đối với các tàu Việt Nam trong khu vực này đã căng thẳng ở mức độ nào.
Đừng tưởng việc phun vòi rồng là không nguy hiểm đến mức chết người. Có dịp đi trên một số tàu Việt Nam từng bị tàu Trung Quốc đâm va và phun vòi rồng để ghi nhận, tôi tận mắt thấy các thanh sắt to mà dưới áp lực của vòi rồng phun còn bị bẻ cong. Các loại cửa kính trên tàu vỡ vụn, hệ thống điện trên tàu bị hư hỏng nặng do bị nước phun vào. Tôi gợi ý và đã được tặng lại một số vật chứng từ những vụ tấn công này, bao gồm một chiếc đèn và một số mảnh kính bị vỡ trên tàu. Những món đồ này tôi mang về Mỹ không chỉ làm kỷ niệm, mà để làm bằng chứng khi làm các chương trình phóng sự về vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 này. Tôi nghĩ, đây là những vật chứng mà bạn bè tôi ở Mỹ rất muốn xem tận mắt.
Tôi cũng thu thập được những câu chuyện rất sinh động về tinh thần của lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam trên biển, cũng như của các ngư dân Việt Nam. Tôi nhớ có lần phỏng vấn ngư dân Lê Văn Trường, máy trưởng tàu cá ĐNa-90235, anh đã chia sẻ về cuộc sống, sinh hoạt và làm việc tại vùng biển "nóng” của các ngư dân trên tàu. Tàu cá ĐNa-90235 đã bị tàu Trung Quốc đâm hư hỏng, nhưng các ngư dân trên tàu đã lập tức sửa chữa lại ngay tại chỗ, tiếp tục ở lại ngư trường để đánh bắt cho hết chuyến đi, dù biết rằng sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều điều nguy hiểm khác. Thuyền trưởng tên là Trương Văn Hai của chiếc tàu cá này cho biết, điều ông mong muốn nhất lúc này chính là sự ủng hộ, giúp đỡ nhiều hơn từ lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam, của bà con trong và ngoài nước, để họ tiếp tục yên tâm bám biển làm ăn.
Đúng là có nhiều điều phải ra tận nơi mới thấy, mới cảm nhận được. Một điều rất ấn tượng là khả năng kiềm chế cao độ của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của phía Việt Nam trong những lần bị tàu Trung Quốc cố tình gây hấn. Họ giữ vững chủ trương không sử dụng vũ lực để đáp trả các hành động tấn công của tàu Trung Quốc. Hằng ngày họ cho tàu vào gần giàn khoan để tuyên truyền, thông báo cho phía Trung Quốc biết lập trường của phía Việt Nam, rằng đây là vùng biển chủ quyền của Việt Nam và Trung Quốc phải rút giàn khoan cùng các tàu hộ tống ra khỏi đây.
Qua tiếp xúc với các nhân viên của lực lượng Kiểm ngư và Cảnh sát biển, họ cho biết, họ hoàn toàn tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Chính phủ Việt Nam từ trước đến nay trong việc đối phó với hành vi sai trái của phía Trung Quốc. Đó là việc sử dụng các giải pháp hòa bình, thương lượng, không tạo cơ hội cho phía Trung Quốc có cớ để làm tình hình căng thẳng hơn. Điều này giúp dư luận trong nước và quốc tế thấy được quyết tâm của phía Việt Nam, muốn bảo vệ chủ quyền biển, đảo bằng biện pháp hòa bình.
Tôi hy vọng, những phóng sự từ chuyến đi ra vùng biển Hoàng Sa rất đặc biệt lần này sẽ đóng góp được một số thông tin, hình ảnh, những câu chuyện chân thực và sống động về những gì đang thực sự diễn ra xung quanh khu vực giàn khoan Hải Dương 981.
Tôi vẫn nghĩ, những nhà báo hiện đang làm việc trong các cơ quan truyền thông tiếng Việt ở hải ngoại, khi có cơ hội, rất nên tới Việt Nam, tới tận những nơi đang xảy ra sự việc để có dịp tiếp cận trực tiếp khi làm công việc báo chí, nhất là đối với những vụ việc có tính nhạy cảm liên quan tới vấn đề Biển Đông như thế này. Việc tiếp cận trực tiếp tại hiện trường sẽ tốt hơn cho việc ghi nhận tin tức, so với việc chỉ thuần túy nghe ngóng, tổng hợp tin tức từ các nguồn khác. Dĩ nhiên điều đó đòi hỏi nhiều thời gian, kinh phí, và những yếu tố khác mà không phải cơ quan truyền thông nào từ hải ngoại cũng có điều kiện thực hiện. Trên đường dài, những gì là sự thật, là bản chất của sự việc, sẽ được ghi nhận và thông tin.
Nguồn Báo điện tử Quân đội nhân dân