Trước hết là bảo vệ chính mình!

(NTO) Có thể nói, công dụng của chiếc nón bảo hiểm đối với người đội khi tham gia giao thông là không có gì phải bàn cãi, đặc biệt là khi có những sự cố hay rủi ro va chạm xảy ra, nhờ chiếc nón này mà đã giúp cho nhiều trường hợp giảm nhẹ những tổn thương phần đầu, có khi là cứu được cả tính mạng. Tất nhiên, đây là nói đến chiếc mũ bảo hiểm thật, đúng quy chuẩn hay nói theo các nhà chuyên môn là hợp quy. Còn đối với những chiếc mũ thuộc hàng kém chất lượng, hàng giả… thì "công dụng" đâu chưa thấy chứ còn hậu quả thì đã rành rành, từ nhẹ biến thành nặng thậm chí là "góp phần" tăng thêm thương tật do chiếc mũ "dỏm" này mang lại và cũng không loại trừ còn là tác nhân gây... tử vong cho người sử dụng.

Người tiêu dùng lựa chọn nón bảo hiểm đạt tiêu chuẩn chất lượng. Ảnh: Sơn Ngọc

Kể từ đầu tháng 7-2014, Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt chính thức có hiệu lực. Đây được xem là Nghị định điều chỉnh mọi hành vi khi tham gia giao thông kể cả đi xe đạp và đi bộ. Riêng đối với quy định điều chỉnh hành vi đội MBH tại "điểm 3, tiết i, k" Điều 6 của Nghị định nói trên, đó là phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi như: người điều khiển, người ngồi trên xe không đội "MBH cho người đi mô tô, xe máy" hoặc đội "MBH cho người đi mô tô, xe máy "không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ (tiết i); chở người ngồi trên xe không đội "MBH cho người đi mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện) hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách...

(tiết k) lại có một số ý kiến vào, ra!. Cân phân mà nói, quy định xử phạt tại Nghị định nói trên cũng chỉ với mục đích là điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông theo đúng luật và hơn thế nữa đó là bảo vệ tính mạng của người dân, giảm nhẹ gánh nặng cho gia đình, xã hội nếu như “xui rủi” xảy ra tai nạn giao thông. Tuy nhiên, vừa qua cũng có nhiều ý kiến băn khoăn chung quanh việc đưa Nghị định 171 vào cuộc sống nhất là chuyện chiếc MBH đúng hay không đúng quy chuẩn. Thực tế cho thấy trên thị trường từ thành thị đến nông thôn MBH kém chất lượng bày bán tràn lan, kể cả một số cơ sở được xem là có thể tin tưởng bởi quy mô, cửa hàng, cửa hiệu khá "hoành tráng"... cũng chơi bài "lập lờ đánh lận con đen". Vậy người mua có phân biệt được "thật", "giả" không? Tất nhiên là có vì không lý gì chỉ cần vài chục ngàn mà có thể "sở hữu" được MBH chất lượng cao được!. Cho nên, do xuất phát từ tư tưởng "đối phó" với cơ quan chức năng, còn xem nhẹ bảo vệ cho bản thân nên chủ động mua và sử dụng MBH "dỏm". Và tư tưởng này vẫn còn hiện hữu ở số đông người dân.

Vấn đề đặt ra là để người dân có chiếc MBH thật, đúng hợp quy kèm theo đó là giá cả phải chăng… thì ngành chức năng không thể đứng ngoài cuộc từ khâu kiểm tra ngay tận gốc sản xuất đến người cố tình bán hàng "giả" để xử lý thích đáng, nghiêm khắc. Mặt khác, ngay cả người dân hơn ai hết là phải biết bảo vệ chính mình trước tiên từ việc chấp hành quy định đến sử dụng MBH đúng chuẩn khi tham gia giao thông.