|
Đồng chí Trương Văn Thọ Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh |
Phóng viên: Đồng chí cho biết kết quả công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua?
Đồng chí Trương Văn Thọ: Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, nỗ lực của đội ngũ cán bộ DS và sự hưởng ứng của nhân dân, công tác DS đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần tích cực trong phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh. Sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác DS-KHHGĐ luôn được quan tâm, một số nơi ban hành Nghị quyết hoặc có các cuộc giám sát chuyên đề về DS-KHHGĐ. Nhận thức của nhân dân về quyền, nghĩa vụ trong công tác DS-KHHGĐ có nhiều chuyển biến. Các chỉ tiêu về mức giảm sinh và các chỉ tiêu về DS-KHHGĐ đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Tỷ lệ phụ nữ mang thai, sức khỏe sinh sản được chăm sóc tốt hơn ...
Tuy vậy, chất lượng DS tỉnh ta còn thấp: Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn cao; tỷ lệ sinh con thứ 3 tăng; mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa dân số cao... cũng đang là vấn đề đáng quan tâm. Vì vậy, trong thời gian đến, ngành tiếp tục tham mưu, đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo; chủ động xây dựng kế hoạch hành động triển khai đến các cấp, các ngành, đoàn thể, trong đó đẩy mạnh công tác vận động giáo dục, truyền thông chuyển đổi hành vi, nhận thức, thái độ về DS-KHHGĐ tạo sự đồng thuận của toàn xã hội. Phải coi công tác DS-KHHGĐ là một nội dung quan trọng và lồng ghép hiệu quả với các hoạt động chuyên môn của ngành và các chương trình KT-XH khác. Góp phần hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu của kế hoạch năm 2014, làm giảm nhanh chóng, ổn định mức giảm sinh trong năm là 0,28%o, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 1,16%, tỷ lệ sàng lọc trước sinh 10%, tỷ lệ sàng lọc sơ sinh 18%, số người mới thực hiện biện pháp tránh thai hiện đại trong năm 39.690 người
Phóng viên: Hưởng ứng thông điệp ngày Dân số Thế giới năm 2014, công tác DS-KHHGĐ tỉnh ta được triển khai với những nội dung gì?
Đồng chí Trương Văn Thọ: “Đầu tư cho thanh niên” là chủ đề được Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp với Tổng Cục DS-KHHGĐ chọn làm thông điệp truyền thông hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới 11-7-2014. Theo thống kê của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, hàng năm có khoảng 16 triệu trẻ em gái tuổi từ 15-19 sinh con và cứ 10 trẻ vị thành niên thuộc nhóm này thì có 9 trẻ vị thành niên lập gia đình. Tại Việt Nam, theo thống kê của Hội KHHGĐ Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300 ngàn ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19, trong đó có 60-70% là học sinh, sinh viên. Theo các chuyên gia y tế - DS, hiện Việt Nam là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới.
Chủ đề Ngày Dân số Thế giới năm 2013 là “Mang thai ở tuổi vị thành niên” thì năm nay một lần nữa vấn đề “Đầu tư cho thanh niên” lại được cả xã hội chú trọng. Vì vậy, để xây dựng được một lớp thanh niên Việt Nam nói chung, tỉnh ta nói riêng đủ sức gánh vác những nhiệm vụ lớn lao của đất nước, quê hương đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách, luật pháp của Đảng và Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ; gia đình và toàn thể xã hội phải phải thường xuyên chăm lo giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh cho thanh niên.
Tăng cường các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền của thanh niên và vị thành niên và đầu tư cho tương lai của các em bằng việc cung cấp giáo dục có chất lượng, công ăn việc làm ổn định, kỹ năng sống và tiếp cận với giáo dục sức khỏe sinh sản và giáo dục tình dục toàn diện, bao gồm giới và quyền lợi là hết sức cần thiết cho sự phát triển của thanh niên và vị thành niên, gia đình, cộng đồng. Thực hiện đầu tư sớm một cách có chiến lược vào giáo dục, chăm sóc sức khỏe và cuộc sống của trẻ em gái vị thanh niên; đồng thời bảo vệ các quyền con người cho các em. Thực hiện chương trình giáo dục giới tính toàn diện kết hợp với cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản và dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho thanh niên và vị thành niên, bao gồm các dịch vụ như cung cấp các biện pháp tránh thai, phòng ngừa và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV, các dịch vụ chăm sóc bà mẹ và các dịch vụ sau khi nạo hút thai. Cần đảm bảo rằng các dịch vụ này được cung cấp tới thanh niên và vị thành niên một cách tế nhị, đảm bảo bí mật, không mang tính phán xét và không phân biệt đối xử, không hạn chế về mặt pháp lý và phù hợp với các quy định quốc tế.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí !
Ngày Dân số thế giới 11-7-2014 “Đầu tư cho thanh niên”
Giai đoạn chuyển đổi từ vị thành niên sang người lớn được khỏe mạnh và an toàn là quyền của mọi trẻ em. Quyền này chỉ có thể được thực hiện nếu xã hội và gia đình tập trung vào đầu tư và tạo cơ hội để đảm bảo rằng trẻ em vị thành niên và thanh niên được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết cho một cuộc sống hữu ích và khỏe mạnh.
Trẻ vị thành niên và thanh niên là trung tâm của chương trình nghị sự phát triển trong tương lai. Bảo vệ quyền của thanh niên và vị thành niên và đầu tư cho tương lai của các em bằng việc cung cấp giáo dục có chất lượng, công ăn việc làm ổn định, kỹ năng sống hiệu quả và tiếp cận với giáo dục sức khỏe sinh sản và giáo dục tình dục toàn diện bao gồm giới và quyền lực là hết sức cần thiết cho sự phát triển của thanh niên và vị thành niên, gia đình, cộng đồng và đất nước của họ.
Nhiều trẻ em gái đang chuẩn bị học xong tiểu học nhưng các em đang gặp phải những thách thức trong việc tiếp cận và hoàn thành giáo dục trung học-một nền tảng kiến thức quan trọng để có thể phát triển trong nền kinh tế đang có nhiều thay đổi.
Nhóm dân số trẻ vị thành niên lớn nhất từ trước đến nay đang bước vào đời sống tình dục và sinh sản. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều tiến bộ trong việc ngăn chặn mang thai ở tuổi vị thành niên, phá thai không an toàn, tử vong mẹ, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và nhiễm HIV. Vẫn còn những khoảng trống đáng kể về tính sẵn có, chất lượng và tiếp cận giáo dục tình dục toàn diện và các dịch vụ dành cho thanh niên.
Khi trẻ em gái bước vào tuổi vị thành niên và thanh niên, nhu cầu của các em về dịch vụ sức khỏe sinh sản tăng lên một cách rõ rệt. Thiếu tiếp cận với các dịch vụ sức khỏe sinh sản có thể có ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và cơ hội của trẻ em gái.
Thanh niên vẫn chưa được tham gia vào quá trình ra quyết định những vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Khoảng 76% các nước báo cáo rằng đang thực hiện các thủ tục cụ thể và cơ chế để đảm bảo sự tham gia của thanh niên và vị thành niên trong việc đưa ra các quyết định có ảnh hưởng đến họ.
Bình An (thực hiện)