Trước đây, do các địa phương thực hiện không tốt công tác quản lý, bảo dưỡng, nên có khá nhiều cầu treo bị xuống cấp, hư hỏng. Các cầu treo này còn chưa đồng bộ, thiếu hệ thống báo hiệu an toàn và hướng dẫn khai thác, nhiều cầu dầm ngang, dọc, mặt cầu bị mục, gãy; cáp chủ, thanh treo, neo cáp bị sét rỉ... Có những cầu từ khi đưa vào hoạt động đến nay chưa được bảo dưỡng lần nào. Trong khi, tình trạng phương tiện quá tải lưu thông qua cầu không được quản lý chặt chẽ, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu công trình và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.
Cầu treo Phước Thắng (Bác Ái) không đảm bảo an toàn
nhưng thường ngày người dân vẫn qua cầu.
Đơn cử như cầu treo Phước Thắng (Bác Ái) mặc dù mới được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2011, nhưng do nhà thầu thi công không đúng thiết kế, nên đã bị xuống cấp trầm trọng. Một số thiết bị dây treo, tăng-đơ bị hư hỏng, mất cắp; dầm gỗ, hệ mặt cầu bị mục nát. Để đảm bảo an toàn, Sở GTVT đề nghị địa phương rào chắn không cho người và phương tiện đi qua cầu treo này, đồng thời sớm có phương án tu sửa. Tuy nhiên đến nay việc tu sửa vẫn chưa được triển khai, trong khi người dân vẫn phải qua cầu thường ngày bất chấp nguy hiểm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Kator Chiêu, Chủ tịch UBND xã Phước Thắng ( Bác Ái) cho biết: Mặc dù biết cầu không đảm bảo an toàn, nhưng địa phương không thể cấm người dân qua cầu vì dân không còn đường nào để đi. Nếu đi vòng qua xã Phước Chính phải qua quãng đường xa trên 10 km. Xã cũng đã kiến nghị lên huyện sớm đầu tư khắc phục đảm bảo an toàn khi mùa mưa đang tới nhưng huyện cho rằng chưa có vốn để thực hiện.
Tương tự, cầu treo Bạc Rây 1 (xã Phước Bình, Bác Ái) cũng không đảm bảo an toàn. Do cầu được xây dựng từ năm 2009, trải qua thời gian dài sử dụng, dưới tác động của nắng, mưa, sàn gỗ và thanh đà mặt cầu đã bị mục ruỗng, hư hỏng nặng. Để hạn chế những khoảng trống trên mặt cầu, người dân địa phương phải lấy những cây gỗ tạm để gá vào chỗ hỏng, tuy nhiên đây chỉ là những giải pháp tạm thời và rất nguy hiểm nếu người dân đi qua không cẩn thận.
Ông Pinăng Hoàng, Chủ tịch UBND xã Phước Bình (Bác Ái) cho biết: Cầu Bạc Rây 1 đã bị hư hỏng nặng. Địa phương đã có biên bản đánh giá mức độ hư hỏng kiến nghị lên các cấp có phương án khắc phục sửa chữa. Vì vậy chúng tôi cũng mong cấp trên có nguồn vốn sửa chữa sớm, nhằm đảm bảo việc đi lại của người dân cũng như phương tiện qua lại an toàn.
Lý giải cho thực trạng trên, một số địa phương có cầu treo trong tỉnh đều cho rằng: Cầu được phân cấp quản lý cho địa phương nhưng địa phương không nắm được hồ sơ thiết kế nên không biết quy định về định kỳ, quy trình để đề xuất bảo dưỡng. Hàng năm, địa phương chỉ sửa chữa nhỏ như thay ván bị vỡ, đóng lại đinh bị lỏng... chứ không có kinh phí sửa chữa lớn. Đối với sửa chữa lớn thì đề xuất lên huyện. Tuy nhiên, hiện huyện cũng rất khó khăn do kinh phí để sửa chữa cầu rất lớn. Trong lúc quỹ bảo trì đường bộ tại các địa phương hiện vẫn chưa thu được, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa chủ yếu là hộ nghèo nên không thể thu phí đường bộ đối với phương tiện.
Thiết nghĩ, để đảm bảo an toàn cho người dân khi mùa mưa bão đang đến gần, trong khi chờ nguồn kinh phí để sửa chữa lớn, các địa phương cần bổ sung đầy đủ các biển báo, biển quy định tải trọng khai thác và biển hướng dẫn chi tiết giao thông tại các cầu treo, nhằm đảm bảo an toàn giao thông, tránh xảy ra sự việc đáng tiếc.
Anh Tuấn - Nguyễn Sơn