Là địa phương duy nhất của xã An Hải có đồng bào Chăm sinh sống, thôn Tuấn Tú hiện có 376 hộ đồng bào Chăm theo đạo Bà-ni với 2.020 khẩu. Đây là vùng chuyên trồng rau, củ “có tiếng” của cả tỉnh với nhãn hiệu rau an toàn An Hải. Hiện toàn thôn có 197ha đất để sản xuất rau an toàn, mỗi ngày cung cấp hàng chục tấn rau, củ, quả sạch cho các chợ đầu mối, siêu thị và xuất ra các thị trường lân cận. Nhờ áp dụng nhiều mô hình sản xuất theo hướng VietGAP mà đời sống người nông dân thôn Tuấn Tú đã khấm khá hơn nhiều. Trong tổng số trên 300ha đất canh tác hằng năm của thôn thì chỉ có 67ha trồng lúa, còn lại đa số là diện tích trồng hoa màu, nhiều nhất là ớt, hành lá, cà-rốt, cà chua và măng tây xanh. Nông dân từ lâu đã biết đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm và nhà lưới cho gần 100ha, chính vì vậy, dù là vùng cuối kênh nhưng mỗi năm, bà con vẫn trồng được 3 vụ hoa màu cho năng suất cao.
Phụ nữ thôn Tuấn Tú tham gia lớp đào tạo nghề thêu tay nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập thêm cho gia đình.
Ngoài các cây trồng chủ lực kể trên, cây lúa trồng ở Tuấn Tú cũng cho năng suất đáng kể. Ông Kiều Thanh Thoàng, Trưởng thôn Tuấn Tú cho hay: Vụ Đông-xuân vừa qua, bà con trong thôn vui mừng vì lúa thu hoạch đạt cao hơn mọi năm. Theo ước tính, năng suất bình quân đạt trên 7,5 tạ/sào, cá biệt nhiều hộ thu hoạch được 9 tạ/sào. Nhờ phát huy thế mạnh sản xuất nông nghiệp nên những năm qua, đời sống của bà con trong thôn từng ngày khởi sắc, hộ nghèo trong thôn chỉ còn 26 hộ; hộ khá, giàu cũng tăng lên, chiếm khoảng 30-40% tổng số hộ của thôn. So với mọi năm, mùa lễ Ramưwan năm nay, bà con thôn Tuấn Tú phấn khởi hơn vì cuộc sống ngày càng khấm khá hơn.
Không chỉ chịu khó làm ăn, phát triển kinh tế, đồng bào Chăm thôn Tuấn Tú luôn phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống và tích cực tham gia các hoạt động, phong trào ở địa phương. Trưởng thôn Tuấn Tú cho biết thêm: Khi được tuyên truyền, phổ biến về Chương trình xây dựng Nông thôn mới, bà con trong thôn rất phấn khởi, hưởng ứng nhiệt tình. Xác định đúng vai trò chủ thể của mình, bà con tích cực hưởng ứng chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để nâng cấp đường bê-tông nội đồng, tu sửa, nạo vét kênh mương và có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường.
Ramưwan năm nay, làng Chăm Tuấn Tú càng vui hơn khi Thánh đường Bà-ni thôn Tuấn Tú được khánh thành, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng và ăn mừng lễ hội. Chị Châu Thị Khỏe, một người dân trong thôn chia sẻ: Cách đây một tháng, xã có mở lớp dạy nghề thêu tay cho phụ nữ trong thôn. Lớp học có 35 chị em tham gia, đến nay, chúng tôi đã có thể tự thêu trên vải rồi. Đúng dịp lễ Ramưwan này, tôi cũng thêu mấy chiếc khăn tay tặng cho người thân của mình làm quà.
Những ngày này, đồng bào Chăm thôn Tuấn Tú đã bắt đầu trang hoàng nhà cửa, phát quang, thu gom rác trên các trục đường. Ban quản lý thôn cũng đang tất bật chuẩn bị các chương trình văn hóa-văn nghệ, giao lưu với các thôn khác trong xã chung vui cùng lễ Ramưwan; đồng thời tích cực tuyên truyền, quán triệt đến các tầng lớp nhân dân chuẩn bị đón Lễ hội Ramưwan với tinh thần vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm và đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc.
Diễm My